Trung Quốc được Cục Du lịch Quốc gia đánh giá là “thị trường truyền thống hàng đầu của Việt Nam” với 5,8 triệu lượt khách ghé thăm trên tổng 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019. Khách Trung chi tiêu trung bình 1.022 USD cho một chuyến đi tại Việt Nam, cao hơn một số thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Năm 2019, tổng thu từ khách Trung tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 32% tổng thu từ khách quốc tế.

Từ khi chính phủ Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách mở cửa du lịch theo đoàn đợt II từ 15/3/2023, Trung Quốc trở thành thị trường gửi khách lớn thứ hai, nhường vị trí quán quân cho Hàn Quốc. Sau một năm, Việt Nam đón hơn 1,7 triệu lượt khách Trung, bằng 31% năm 2019.

“Không riêng Việt Nam, lượng khách Trung Quốc đi du lịch trên thế giới cũng phục hồi chậm sau dịch”, PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nói.

Ông Long cho biết có nhiều nguyên nhân khiến khách Trung chưa đi du lịch ồ ạt như trước dịch như nền kinh tế Trung Quốc và thế giới ảm đạm sau dịch, chính phủ Trung Quốc đang tập trung kích cầu du lịch nội địa, dành nhiều khuyến mại và hỗ trợ nhằm phục hồi nền kinh tế nước nhà. Hành vi tiêu dùng của khách Trung sau dịch cũng thay đổi, ưu tiên đi gần. “Trung Quốc đất rộng, nhiều điểm đến hấp dẫn và di chuyển thuận tiện nên khách Trung ưu tiên du lịch nội địa”, ông Long nói. Bên cạnh đó, các đường bay thẳng chưa phục hồi dẫn đến giá vé cao, di chuyển chưa thuận tiện như trước dịch nên khách chưa đi nhiều.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan trở thành quốc gia đón khách Trung nhiều nhất với hơn 3 triệu lượt, năm 2023. Việt Nam đứng thứ hai, tiếp đó là Malaysia với 1,4 triệu lượt rồi đến Singapore, Indonesia. Tỷ lệ phục hồi khách Trung tại các nước Đông Nam Á nằm ở khoảng 20-30%. Các quốc gia từng là điểm đến hàng đầu của khách Trung tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng ghi nhận tỷ lệ phục hồi tương tự.

CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt vừa có chuyến du lịch cuối tháng 3 đến một số tuyến du lịch Trung Quốc để khảo sát như tour đường bộ qua cửa khẩu Tĩnh Tây, Cao Bằng hay tour bay đến Lệ Giang – Shangrila. Ông Đạt cho biết các điểm du lịch ở Trung Quốc “khá vắng vẻ”.

“Du lịch nội địa của Trung Quốc cũng chưa phục hồi hoàn toàn nên du lịch quốc tế vẫn ít khách là điều bình thường”, ông Đạt nói. Tiến sĩ Phạm Hồng Long cũng có nhận xét tương tự khi đến Trung Quốc sau dịch.

Đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, chiều 15/3. Ảnh: Thuý Hà

Đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, ngày 15/3/2023. Ảnh: Thúy Hà

Một lý do khác khiến khách Trung chưa quay lại Việt Nam bằng trước dịch đến từ sự cạnh tranh trực tiếp từ thị trường du lịch Thái Lan. Cuối năm 2023, Thái Lan đã miễn visa tạm thời cho khách Trung trong mùa cao điểm từ 25/9/2023 đến 29/2 năm nay và tiếp đó là miễn visa vĩnh viễn từ 1/3. Động thái này giúp Thái Lan đón gần 800.000 lượt khách Trung từ 1/1 đến 8/2 trong tổng số gần 4 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó lượng khách Trung đến Việt Nam trong 2 tháng đạt hơn 500.000 lượt.

Theo nền tảng du lịch trực tuyến LY.com, khách du lịch Trung Quốc tận dụng cơ hội miễn thị thực đến Thái Lan trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 8 ngày khiến lượng đặt phòng cao gấp 9 lần so với Tết năm trước.

“Hiện tại nhiều khách Trung ưu tiên đến Thái Lan hơn”, ông Đạt nói. Thái Lan và Việt Nam đều có lợi thế chung đường biên giới với Trung Quốc, bay gần và nhiều chặng bay. Tuy nhiên, khách Trung vẫn cần xin visa đến Việt Nam trong khi Thái Lan thì không. Ngoài ra ,Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, kiến trúc, thiên nhiên, ví dụ chùa ở hai nước giống nhau nhưng chùa ở Thái Lan lại khác. Không khí tại Thái Lan cũng sôi động hơn và có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn.

Tour 0 đồng chưa trở lại cũng là một yếu tố tác động đến lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam. Ưu điểm của tour 0 đồng là lượng khách lớn. Tuy nhiên, tiến sĩ Long và CEO Đạt đều cho rằng không nên khuyến khích các tour 0 đồng vì không mang lại lợi ích nhiều cho nền kinh tế địa phương. Khách đến đông nhưng chi tiêu ít.

“Việt Nam không cần quá áp lực trong việc đặt mục tiêu phải đón bằng được lượng khách Trung Quốc như trước dịch”, ông Đạt nói.

Thay vào đó ngành du lịch Việt Nam nên tập trung hướng tới tệp khách Trung cao cấp, đến từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Khách Trung Quốc nhà giàu ngoài việc ăn ở các khách sạn 5 sao như khách Âu còn mua sắm nhiều, chi tiêu phóng khoáng. “Đây mới là tệp khách hàng mới chúng ta cần hướng đến”, ông Đạt cho hay.

Tiến sĩ Long cho biết khách Trung Quốc thích du lịch biển đảo. Việt Nam có lợi thế này, ngành du lịch nên đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị tới thị trường khách Trung.

Ngoài ra, để thu hút khách Trung Quốc, Việt Nam cần chủ động kết nối với thị trường này nhiều hơn nữa, giống cách Thái Lan và Trung Quốc đang làm. Thái Lan thân thiện về visa và sản phẩm còn Trung Quốc đang tung ra nhiều gói kích cầu, hỗ trợ giá vé và phòng khách sạn dành cho khách quốc tế. Các công ty lữ hành sau khi được hỗ trợ giá vé, phòng sẽ hạ giá thành tour. Trong khi đó giá vé máy bay, phòng tại Việt Nam vẫn đang cao.

“Thị trường khách Trung Quốc sang Việt Nam vẫn trầm lắng nhưng xu hướng khách Việt đi du lịch Trung Quốc lại tăng hơn trước dịch”, ông Đạt nói.

Phương Anh