Du lịch hàng không đang trở thành cuộc chiến mùi hương. Cách đây hai tháng, một hành khách đã phải rời khỏi chuyến bay của American Airlines từ Phoenix đến Austin vì “thô lỗ và bốc mùi”. Năm ngoái, hai khách bị tiếp viên của Air Canada mời rời máy bay vì không chịu ngồi trên chiếc ghế có mùi như bãi nôn – sau đó hãng này cũng đã xin lỗi.
Mùi trên máy bay cũng phát ra từ khoang hàng, chủ yếu do quả sầu riêng, mật ong, nước thải và cả củ hành thối. Điều này khiến một số hãng hàng không cấm sầu riêng dù nó phổ biến ở châu Á. Từ đại dịch, các hãng cũng bắt đầu phun chất tẩy rửa hóa học bên trong cabin khiến khách hàng đau đầu.
Christopher Elliot, cây viết của USA Today, cho biết trải nghiệm về mùi tồi tệ là trên chuyến bay từ New York đến Vienna. Ai đó đã đổ loại hóa chất mùi anh đào vào nhà vệ sinh khiến mùi hương lan khắp cả khoang suốt thời gian bay.
“Cuộc chiến mùi hương đang nổ ra trên không, bạn không thể nhìn thấy nhưng có thể ngửi được”, Elliot nói.
Theo Elliot, các hãng hàng không có quy định về mùi trên máy bay. Ví dụ, American Airlines quy định hãng có thể từ chối vận chuyển người có mùi khó chịu, vết thương chảy nước. Delta Airlines cũng có thể từ chối vận chuyển khi hành vi, trang phục, vệ sinh của khách hàng gây khó chịu “một cách vô lý” cho người khác. Tương tự, United Airlines quy định có thể từ chối vận chuyển nếu khách gây ra tình trạng khó chịu.
Để tránh cảnh khó chịu vì mùi trên máy bay, USA Today đưa ra một số gợi ý, ví dụ trao đổi với tiếp viên để được đổi chỗ. Nhắc nhở người ngồi cạnh nếu thấy họ chuẩn bị xịt nước hoa bởi giữ mùi trung tính cũng là kiểu lịch sự.
Uneaka Daniels, một hành khách, nói cô luôn mang một chiếc khăn trắng đính hạt khuếch tán chứa tinh dầu. Về cơ bản, Daniels không xịt bất kỳ thứ gì ra máy bay nên không ai phàn nàn cô. Bằng cách này, cô đã vượt qua chuyến bay kéo dài 6 giờ với một hành khách nặng mùi bên cạnh.
Trước khi lên máy bay, hành khách cũng nên tránh ăn các thực phẩm khiến mình trở thành “nguồn phát ra mùi” như sầu riêng, tỏi, xúc xích.
Theo Trung tâm An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Canada, các hãng hàng không nên đưa ra chính sách cụ thể như yêu cầu khách giữ vệ sinh, không dùng nước hoa, cấm sản phẩm có mùi thơm. Các hãng cũng nên tránh sử dụng chất tẩy rửa công nghiệp hoặc các mùi hương với tên gọi bắt tai như “hạnh phúc”, “bình tĩnh”. Hóa chất trong các sản phẩm tạo mùi thơm cũng có thể gây đau đầu, kích ứng da, buồn nôn và một số vấn đề hô hấp.
Hoài Anh (Theo USA Today)