Rối Việt – trẩy hội ngày xuân sẽ biểu diễn miễn phí, với thời lượng 30 phút hàng ngày từ 19h30. Sau mỗi chương trình biểu diễn, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm múa rối, trò chuyện cùng các nghệ sĩ, để tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật trình diễn sân khấu độc đáo này.

Chương trình được đầu tư bởi tập đoàn Sun Group và trực tiếp thực hiện bởi Nhà hát Múa rối Việt Nam. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam trực tiếp chỉ đạo sản xuất.

Lần đầu tại Việt Nam, Rối Việt được biểu diễn tại thủy đình trên bãi biển. Ảnh: Nhà hát múa rối Việt Nam

Lần đầu tại Việt Nam, Rối Việt được biểu diễn tại thủy đình trên bãi biển. Ảnh: Nhà hát múa rối Việt Nam

Trẩy hội mùa xuân được thiết kế, dàn dựng để kể câu chuyện về đời sống, lao động sản xuất, tín ngưỡng của người Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế. Điều đó được thể hiện từ chính tên gọi của tiết mục là “Trẩy hội”, một nét văn hóa truyền thống của người Việt trong mỗi mùa xuân, trùng thời điểm show diễn ra mắt.

Chương trình được trình diễn bởi các thế hệ ưu tú và cả các nghệ sĩ còn trẻ của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Tám tiết mục sẽ đưa người xem vào dòng chảy của văn hóa Việt, nơi họ được khám phá nét đẹp của những lễ hội xuân, đời sống lao động sản xuất nông nghiệp lúa nước, văn hóa tâm linh và tín ngưỡng Việt, hay hình ảnh nón quai tháo được ẩn dụ tựa ánh trăng, chiếc thuyền trên sóng nước, để thấy một nền văn hóa giàu bản sắc, sống động và phong phú.

Theo hé lộ của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Trẩy hội mùa xuân sẽ kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật và biểu diễn khác nhau như múa rối cạn, múa rối nước và nghệ thuật múa. Âm nhạc biểu diễn cũng giới thiệu đến du khách các nghệ thuật sân khấu khác như hát chèo, hát Chầu văn. Đặc biệt tiết mục cuối cùng Xin chào Việt Nam sẽ được hòa âm mới bằng sáo, nhị, bầu, tranh – 4 loại nhạc cụ truyền thống kết hợp cùng múa áo dài và nón lá.

Một tiết mục rối nước. Ảnh: Nhà hát múa rối Việt Nam

Một tiết mục rối nước. Ảnh: Nhà hát múa rối Việt Nam

Một trong những điểm nhấn của chương trình là nhà hát thủy đình được thiết kế để tái hiện thủy đình chùa Thầy, ngôi chùa cổ kính bậc nhất của Thủ đô Hà Nội và cũng là tổ nghề của múa rối nước Việt Nam. Một di tích kiến trúc nghệ thuật thời Lý được tái hiện, sẽ là một nét chấm phá trong bức tranh hiện đại, đậm chất thơ của thị trấn Hoàng Hôn hay cũng chính là “làng trong phố” theo cách liên tưởng gần gũi của Nghệ sĩ nhân dân Tiến Dũng.

Không phải ngẫu nhiên, thị trấn Hoàng Hôn được lựa chọn là điểm đến trình diễn tiếp theo của Nhà hát Múa rối Việt Nam. “Ngay từ những cuộc trò chuyện đầu tiên, chúng tôi đã cảm nhận được sự đồng điệu với tập đoàn Sun Group, là đưa văn hóa truyền thống vào sản phẩm du lịch”, nghệ sĩ nhân dân cho hay. “Chúng tôi muốn thông qua đó du khách mọi quốc tịch, mọi lứa tuổi sẽ được tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, người Việt cũng được thấy ông cha ở đó, được hiểu thêm về giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống, được hãnh diện với bạn bè quốc tế”, ông Dũng nói thêm.

Thị trấn Hoàng Hôn - điểm đến của thế giới quy tụ các show diễn nghệ thuật hấp dẫn như Nụ hôn của biển cả kết hợp trình diễn pháo hoa nghệ thuật hàng đêm. Ảnh: Sun Group

Thị trấn Hoàng Hôn – điểm đến của thế giới quy tụ các show diễn nghệ thuật hấp dẫn như Nụ hôn của biển cả kết hợp trình diễn pháo hoa nghệ thuật hàng đêm. Ảnh: Sun Group

“Trình diễn Rối Việt, cùng với các show nghệ thuật khác tại tổ hợp vui chơi giải trí được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng ở thị trấn Hoàng Hôn sẽ không chỉ gia tăng trải nghiệm, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Phú Quốc, mà còn góp phần tôn vinh và mang các giá trị văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới”, đại diện Sun Group chia sẻ.

Thế Đan