Nói với VnExpress, du khách Thụy Sĩ Alex Brauwalder bày tỏ “thất vọng” do thường xuyên thấy rác trong chuyến tham quan vịnh Hạ Long – vịnh Lan Hạ – đảo Cát Bà hồi giữa tháng 2. Một số “luồng rác” trôi nổi kéo dài vài trăm mét, khiến ông không dám tham gia trải nghiệm bơi trên vịnh.
Patricia Mayerhofer, du khách Australia, thăm vịnh Hạ Long từ 20 đến 23/2, cũng nhận xét khu vực được UNESCO công nhận là di sản thế giới này như “vùng biển của rác”. Cô được những người làm tour lý giải rằng rác đến từ làng chài, từ đại dương hoặc do khách du lịch xả ra. “Tôi thấy Việt Nam không thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường”, cô nói. Ged Kelly, du khách Anh, chia sẻ trải nghiệm tương tự. Khi tham gia chèo kayak 20 phút chiều 4/3, Kelly thấy “vô số chai nhựa, lon, găng tay, thậm chí cả một chiếc ghế văn phòng lềnh bềnh trên mặt nước”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, rác ở khu vực vịnh Hạ Long – Lan Hạ xuất hiện trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 5 – trùng mùa du lịch khách quốc tế.
Tháng 9/2023, khi công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm tại khu di sản và kêu gọi Việt Nam tăng cường biện pháp giải quyết.
Quản lý vịnh Hạ Long hồi đầu tháng 3 cho biết tình trạng rác trôi nổi tập trung ở khu vực hòn Trống Mái, Mê Cung, Sửng Sốt, Hang Luồn. Do thời tiết mù, nồm, không có gió nên rác thải, phao xốp từ các chân núi, kẽ đá, khe bờ trôi ra ngoài. Đây là những mảnh phao vỡ, bè tre, gỗ còn sót lại từ lượng phao xốp trôi dạt nhiều tháng trên mặt biển từ Hạ Long cho tới Cẩm Phả, Vân Đồn trong quá trình thay thế phao xốp của các nhà bè nuôi trồng thủy sản và xử lý các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
Từ cuối tháng 2, Công ty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh thường xuyên đi thu gom rác thải từ sáng sớm tới 17h, trung bình khoảng 10-12 khối rác mỗi ngày. Đầu tháng 3, Ban quản lý vịnh Hạ Long huy động gần 20 tàu, xuồng, đò đến tất cả luồng, tuyến tham quan trên vịnh để thu gom, vận chuyển rác trôi nổi về bờ để xử lý. Ban quản lý vịnh cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực tế và xử lý vi phạm về quản lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh, chủ tàu du lịch du khách Brauwalder đã thuê trong chuyến đi tháng 2, nói vấn đề rác thải ở vịnh Hạ Long và Cát Bà “bao năm vẫn vậy”, dù có những đợt dọn rác.
Ông Nguyễn Duy Phú – Chủ tịch Hội Du thuyền Lan Hạ – nói du khách không chấp nhận bất kỳ lời xoa dịu nào từ chủ tàu liên quan đến vấn đề rác thải. Dù trải nghiệm dịch vụ tốt đến đâu, họ vẫn chấm 0 điểm hài lòng vì vịnh quá nhiều rác.
Để hạn chế phần nào trải nghiệm không tốt của khách, Hội Du thuyền Lan Hạ tự thuê thuyền dọn rác ba lần từ năm ngoái đến nay. “Vì miếng cơm manh áo, chúng tôi phải tự góp quỹ làm”, ông nói.
Một chủ tàu hoạt động trên vịnh Lan Hạ cho rằng những nỗ lực trên “không đủ”. Cát Bà chưa có hệ thống xử lý rác hiệu quả, chủ yếu là chôn lấp. Vào mùa mưa bão, rác lại bị cuốn ra biển, hòa cùng dòng rác từ đại dương tạo nên cảnh “rác trôi thành hàng”.
Trả lời VnExpress, TS Dương Thanh Nghị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam(VAST), chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm vi nhựa trong môi trường biển, cho biết về mặt tự nhiên, vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ có thể coi là một. Hai vịnh này có chung nguồn rác bị động từ đại dương xâm nhập vào, bên cạnh những nguồn rác khác phát sinh trong hoạt động sinh sống, phát triển kinh tế của người dân như du lịch, làm nghề thủy hải sản, vận tải biển.
Theo ông Nghị, những người quản lý cần tăng cường giám sát, ứng xử kịp thời vấn đề rác thải bằng công cụ hiện đại như camera giám sát ở những bẫy địa hình tích tụ trôi dạt, ảnh vệ tinh, thiết bị bay chụp tuần tra, thiết bị thu gom, nơi tiếp nhận và xử lý rác được thu gom. Việc áp dụng công nghệ hiện đại có thể phát hiện nguồn rác từ sớm và xử lý nhanh.
Du khách Brauwalder, làm việc cho một tổ chức xử lý rác thải tại Thụy Sĩ, cũng cho rằng giới chức quản lý cần tham khảo công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề này, ví dụ mô hình thu gom rác bằng “bờ biển nhân tạo hình chữ U” của The Ocean Cleanup. Mô hình sử dụng một rào chắn dài hình chữ U hoạt động như một tấm lưới và được thuyền kéo qua các điểm nóng về rác trên Thái Bình Dương. Tấm lưới này di chuyển chậm để tránh làm hại các sinh vật biển. Trong khi đó, máy ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo liên tục quét bề mặt đại dương để tìm nhựa. Sau khi hệ thống đã đầy, rác được chuyển lên tàu và xử lý hoặc tái chế. Tới tháng 2/2023, hệ thống đã dọn sạch gần 200.000 kg nhựa đại dương, chiếm khoảng 0,2% trong số 100 triệu kg nhựa ở “bãi rác nhựa lớn nhất thế giới”.
Ngoài ra, Brauwalder nói cần tìm ra nguồn gốc rác thải để ngăn chặn triệt để. Những du khách quốc tế như ông sẵn sàng trả thêm tiền để hỗ trợ nỗ lực dọn dẹp vùng di sản.
“Nếu không có một nỗ lực nghiêm túc, khách du lịch quốc tế sẽ quay lưng với địa điểm này trong vài năm nữa. Hãy quan tâm vấn đề lớn thay vì lợi ích ngắn hạn”, Brauwalder nói và tiết lộ đã gửi thư kiến nghị đến UNESCO về vấn đề ô nhiễm ở quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà.
Tú Nguyễn