Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, cho biết năm 2023, huyện đảo đón 165.000 lượt khách du lịch, gấp hơn 2 lần so với 2022. Vào cao điểm 30/4-1/5 và hè, lượng khách đến đảo quá tải, trong khi lượng phòng hạn chế, khiến nhiều khách không có nơi lưu trú. Năm 2023 cũng là năm lượng khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên đảo đi vào hoạt động nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó 25 – 30% cơ sở được xây dựng mới.
“Hiện trên đảo có 60 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ với hơn 1.000 phòng và gần 100 cơ sở homestay đã đăng ký kinh doanh, đang hoạt động”, ông Nhân nói.
Nhiều người nhận thấy tiềm năng kinh doanh du lịch trên đảo Phú Quý đã quyết định đầu tư xây khách sạn, mở homestay. Huỳnh Như, đến từ TP HCM, cho biết ghé thăm đảo Phú Quý hai lần vào năm 2022 và nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng kinh doanh dịch vụ du lịch. Cô quyết định thuê lại căn nhà địa phương trên đảo, cải tạo thành điểm lưu trú và bắt đầu hành trình khởi nghiệp trên đảo từ tháng 3/2023.
Căn “Nhà Mình Homestay” của Như năm 2023 phục vụ khách hết công suất, tỷ lệ kín phòng 100% trong tháng 5-6. Các tháng còn lại lượng khách rải rác do ảnh hưởng thời tiết xấu. Như cho hay thời điểm homestay của cô đi vào hoạt động cũng phải cạnh tranh nhiều với các cơ sở lưu trú khác mới mọc lên, nhất là các căn ven biển. Tốc độ phát triển cơ sở lưu trú cũng đẩy giá thuê nhà, đất tại đảo lên cao.
Thời điểm Như thuê năm ngoái chỉ khoảng 30-40 triệu đồng một năm cho một căn nhà. “Từ đầu năm đến nay, tôi khảo sát một số nơi đẩy giá thuê lên đến 80-100 triệu đồng một năm. Nhà, đất cho thuê đều ký hợp đồng từ 3 đến 5 năm”, Như nói.
Hướng dẫn viên địa phương Huỳnh Ka cho thấy du lịch trên đảo phát triển nhanh chóng từ tháng 4/2023. Trước năm 2019, chỉ xã Tam Thanh ở trung tâm là có nhiều hộ kinh doanh lưu trú, hàng quán. Hiện quy mô mở rộng đến xã Long Hải, cách trung tâm khoảng 2 km. Hòn đảo như “lột xác”.
Tại Long Hải phần lớn là các nhà nghỉ được xây mới từ năm ngoái, ven biển, hoạt động được vài tháng. Tại xã Ngũ Phụng, trước kia gần như không có cơ sở lưu trú, hiện cũng có gần 50 homestay.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó giám đốc Hợp tác xã du lịch đảo Phú Quý, cho biết đảo hiện chưa chính thức vào mùa cao điểm du lịch. Khách thường tập trung ở các căn ven biển.
Chủ căn homestay ở xã Ngũ Phụng cho biết từ đầu tháng 3, các căn mới xây có view sát biển ở xã Long Hải thường xuyên kín phòng kể cả ngày thường. Có nơi không còn chỗ đến tháng 5-6. Các điểm lưu trú ở phía trong, không có view, còn nhiều phòng trống nhưng bắt đầu có khách hỏi đặt cho dịp 30/4-1/5 sắp tới.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, dịp lễ 30/4-1/5 và mùa hè nhu cầu đi du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng ở tuyến biển tăng cao và đây cũng là thời gian thuận lợi để di chuyển đến đảo. Ông Nhân dự kiến lượng khách đến đảo tham quan du lịch, nghỉ dưỡng trong dịp này sẽ tiếp tục tăng, khoảng 7.000 lượt.
Ông Bùi Thế Nhân nói hoạt động du lịch gần đây diễn ra sôi nổi ở đảo. Số lượng cơ sở lưu trú tại đảo tăng nhanh, trong đó có homestay, nhưng số lượng homestay tự phát rất ít. Địa phương các xã tăng cường công tác quản lý, tiến đến không còn tình trạng homestay tự phát.
Địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào khu du lịch Phú Quý với các loại hình du lịch cao cấp, du lịch xanh và bền vững, nâng cao chất lượng khách du lịch. “Trong thời gian tới, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp vào khu du lịch Phú Quý”, ông Nhân nói.
Kể từ khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được đưa vào sử dụng, thời gian di chuyển từ TP HCM đến Phan Thiết rút ngắn, lượng khách du lịch đến Phú Quý tăng lên. Hiệu ứng “làng chài cha cha cha” – biệt danh khách du lịch đặt theo tên một bộ phim nổi tiếng Hàn Quốc, lan truyền trên các hội nhóm du lịch, cũng khiến hòn đảo xa bờ của Bình Thuận thêm hút khách ghé thăm.
Bích Phương