Trong Chỉ thị ngày 15/2 đôn đốc nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao sớm tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước thời gian qua. Bộ Ngoại giao và Công an cần đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam.
Trả lời VnExpress, ông Martin Koerner – thành viên tiểu ban Du lịch & Khách sạn của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – nói miễn thị thực là “công cụ mạnh mẽ” để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế khi giúp giảm chi phí, thời gian cho người du lịch. Nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới chỉ ra miễn thị thực có thể giúp tăng 25% lượng khách, kích thích nhu cầu về các dịch vụ du lịch như lưu trú, đi lại, ăn uống, giải trí, mua sắm.
Ông Martin đề xuất miễn thị thực cho tất cả công dân Liên minh châu Âu (EU) và nhấn mạnh đây là “điều cần thiết”. Theo ông, EU là thị trường chiến lược của du lịch Việt Nam và nhóm khách EU có ý thức tốt về bảo vệ môi trường, văn hóa địa phương, tôn trọng pháp luật. Họ cũng thường xuyên đóng góp vào sự phát triển của du lịch địa phương bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, phản hồi, hỗ trợ các hoạt động du lịch bền vững, có trách nhiệm.
Việc miễn thị thực cho công dân EU khiến Việt Nam hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn, “khuyến khích nhóm này đến du lịch và lưu trú lâu hơn”, ông Martin nói. Năm ngoái, EuroChamtừng đề xuất miễn thị thực cho toàn bộ khối EU, nhưng chưa thành công.
Trước việc Việt Nam nghiên cứu nới thị thực du lịch, ông mong ít nhất công dân Hà Lan, Thụy Sĩ, Áo, Ba Lan và Bỉ sẽ được xem xét trước. Đây đều là những nước có nguồn khách du lịch hàng đầu châu Âu, đặc biệt Hà Lan.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group – đơn vị chuyên du thuyền 5 sao – cũng chung quan điểm và muốn Chính phủ xem xét miễn thị thực với một số thị trường trọng điểm khác như Mỹ, Australia, New Zealand. Ông Hà nói châu Âu là nơi có thị trường “khách chất lượng” và du khách dễ dàng đến Việt Nam vì có đường bay thẳng từ Anh, Pháp và Đức.
Năm ngoái, Việt Nam cũng có một số thay đổi trong chính sách thị thực khi kéo dài thời hạn hiệu lực của e-visa lên 90 ngày, cho phép nhập cảnh nhiều lần, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân 13 quốc gia. Martin Koerner nói sự thay đổi này đã thúc đẩy ngành kinh tế du lịch ở Việt Nam nhưng “chưa thành công hoàn toàn” nếu không gia tăng số quốc gia được miễn thị thực.
Ông Martin nói các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt Thái Lan đang làm rất tốt việc giành thị trường thông qua chính sách thị thực cởi mở. Việt Nam hiện miễn thị thực cho du khách từ 25 quốc gia, so với 162 đối với Malaysia và Singapore, 157 đối với Philippines, 68 đối với Nhật Bản, 66 đối với Hàn Quốc và 64 đối với Thái Lan. Ông Martin nhấn mạnh Thái Lan còn miễn thị thực cho các thị trường nguồn lớn như EU hay Trung Quốc – nguồn khách chính của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, châu Á là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam năm ngoái với 9,78 triệu lượt khách, dẫn đầu là Hàn Quốc (28%), Trung Quốc (24%), tiếp đến Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam năm ngoái ít hơn 4,1 triệu lượt so với năm 2019. Thống kê chỉ ra tốc độ phục hồi của thị trường châu Âu, châu Á còn chậm – đạt lần lượt 67% và 68%.
Bên cạnh việc miễn visa, ông Phạm Hà mong muốn “cái bắt tay” giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để đem đến cho du khách trải nghiệm “một hành trình, nhiều điểm đến”. Vào đầu tháng 2, Thái Lan đề xuất nước này muốn cùng Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia hợp tác để đưa ra chính sách thị thực chung, cho phép khách thuộc EU di chuyển tự do khi có thị thực một trong 5 nước.
“Các công ty du lịch như chúng tôi mong mỏi chính sách thị thực đơn giản từ lâu. Đó thực sự là giấc mơ”, ông Hà nói, đồng thời cho biết hợp tác giúp họ dễ dàng thiết kế các hành trình dài ngày cho du khách. Các chuyến đi theo hành trình này đặc biệt phổ biến với nhóm khách phương Tây – nhóm chiếm 25% tổng khách của Lux Group. Ông Hà mong con số này có thể tăng lên 40% khi các thỏa thuận hợp tác giữa các nước được thông qua.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, nói các đơn vị du lịch chắc chắn muốn Việt Nam miễn thị thực cho những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, việc mở thêm cho thị trường nào cần được nhiều Bộ, ban ngành quyết định, không chỉ riêng ngành du lịch. Ông Quỳnh nói việc mở rộng diện miễn thị thực tạo điều kiện thuận lợi để kích cầu du lịch quốc tế nhưng cần “đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro”.
Một đề xuất khác của EuroChamtrong việc thu hút khách quốc tế là Việt Nam cần xúc tiến du lịch ở nước ngoài tốt hơn, quảng bá mạnh mẽ ở các triển lãm thương mại quốc tế như ITB Berlin, WTM London hay ILTM Shanghai. Thêm vào đó, Việt Nam nên xem xét mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài tại các thị trường trọng điểm để hỗ trợ quảng bá.
Tú Nguyễn