Lễ hội Áo dài TP HCM năm 2024 có chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” diễn từ ngày 7 đến 17/3, theo Sở Du lịch TP HCM. Chuỗi hoạt động lễ hội diễn ra tại các địa điểm Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, Nhà Văn hóa Thanh niên, Bảo tàng Áo dài, Quảng trường QT4 (Công viên Bờ sông Sài Gòn Thủ Đức) và tại các di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch nổi tiếng của TP HCM.
Trong 10 ngày lễ hội, có 14 hoạt động chính dành cho người dân và khu khác tham dự, nổi bật như đồng diễn với áo dài; cuộc thi “Duyên dáng áo dài TP HCM”; cuộc thi “Vẽ trên áo dài”; cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 10 năm Lễ hội Áo dài TP HCM; triển lãm và tương tác với Áo dài; miễn, giảm vé cho du khách, người dân thành phố mặc áo dài đến tham quan Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở du lịch TP HCM, cho biết Lễ hội này không chỉ là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mà còn là động lực phát triển kinh tế quan trọng của thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch và mang lại doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp địa phương.
Thông qua lễ hội, TP HCM muốn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá hình ảnh điểm đến đến cộng đồng du khách quốc tế, tiếp tục giữ vững vị thế của du lịch TP HCM.
“Chúng tôi mong muốn Lễ hội Áo dài không chỉ là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của riêng TP HCM mà còn là của cả Việt Nam”, ông Hòa nói.
Năm 2014, Lễ hội Áo dài TP HCM lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên Văn hóa Đầm Sen với 4 hoạt động. Đến năm 2017, lễ hội phát triển về quy mô và chất lượng khi lần đầu tiên được tổ chức tại trung tâm thành phố với chuỗi 11 hoạt động. Đến nay, Lễ hội Áo dài được tổ chức định kỳ vào đầu tháng 3 hàng năm tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Ngành du lịch kỳ vọng các hoạt động trong lễ hội sẽ tạo được sự lan tỏa, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, các doanh nghiệp, cơ quan, các công chức, viên chức và người lao động nữ hưởng ứng qua việc mặc áo dài trong các hoạt động tiếp dân và tại công sở trong thời gian diễn ra lễ hội.
Bích Phương