Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Lữ hành Vietlux, cho biết các chương trình hành hương, viếng thăm thắng cảnh tâm linh trong và ngoài nước là một trong những lựa chọn hàng đầu của khách nội địa thời điểm sau Tết. So với cùng kỳ, lượng khách đặt thời điểm này tăng khoảng 15-20%.
Tháng Giêng là thời điểm du khách chọn các hoạt động tham quan kết hợp thăm viếng chùa và tham gia các lễ hội. Những điểm đến được du khách ưa chuộng là Đà Lạt, Vũng Tàu, miền Tây, Phan Thiết, Tây Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các tour này có thời gian tham quan từ 2 đến 5 ngày, với đa dạng mức giá tùy theo chương trình, phương tiện di chuyển.
Ghi nhận của BenThanh Tourist, lượng khách tham gia tour hành hương chiếm tỷ lệ hơn 50% trên tổng số lượng khách đăng ký tour du lịch khởi hành vào nửa cuối tháng 2, đầu tháng 3. Các chương trình tour khởi hành trong tháng 2 đã kín chỗ.
Bà Đào Thị Việt, Phó Tổng giám đốc Sun World Ba Den Moutain, nói khách du lịch tâm linh ngày càng có chiều sâu hơn, đòi hỏi các hoạt động gắn với tôn giáo cần được tổ chức bài bản, văn minh hơn, chú trọng tới trải nghiệm văn hóa. Hiện tại, các con số đang chứng minh du lịch tâm linh dần trở thành xu hướng.
Từ 7/2 đến 18/2 tức (28 tháng chạp đến hết ngày mùng 9 Tết Giáp Thìn), khu du lịch đón gần 1,3 triệu lượt khách đi cáp treo lên núi Bà Đen, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Những năm trước, khu du lịch đón trung bình khoảng 1,5-2 triệu lượt khách, tới năm 2023 đã thu hút 5,1 triệu khách.
Ở Ninh Bình, du lịch tâm linh cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách nội địa. Từ ngày mùng 1 Tết đến nay, Ninh Bình ước đón 700.000 lượt khách tới các điểm du lịch tâm linh, chiếm 48,3% so với tổng lượng khách đến tỉnh.
Một số điểm du lịch tâm linh thu hút đông du khách gồm chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, chùa Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, động Am Tiêm, đền Trần. 90% khách du lịch tâm linh là khách nội địa, chủ yếu đến từ thành phố Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, TP HCM, vùng Tây Nam Bộ, miền Trung.
“Du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng, trở thành điểm sáng của tỉnh, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương”, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, nói.
Theo ông Mạnh, tỉnh đang xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, tâm linh trong cả bốn mùa, qua đó thu hút khách du lịch, biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đại diện khu du lịch núi Bà Đen cũng dự báo khách sẽ tiếp tục tới đây sau Tết nhờ có chuỗi Hội xuân Di Lặc và Hội xuân núi Bà Đen – lễ hội truyền thống lớn nhất năm ở Tây Ninh, kéo dài suốt tháng Giêng. Để du lịch tâm linh không còn mang tính “mùa vụ”, đơn vị này cho biết sẽ liên tục tổ chức các hoạt động, lễ hội văn hóa Phật giáo với đa dạng trải nghiệm được làm mới.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, du lịch tâm linh ở Việt Nam hiện chia làm ba loại hình chính, gồm trẩy hội đầu năm, check in điểm đến và lễ bái. Một ngách khác kén khách đang hình thành là tour tâm linh chuyên sâu, nhắm đến khách tu tập, yêu cầu hướng dẫn viên có chuyên môn rất cao về Phật giáo.
Đại diện CLB Du lịch Thủ đô cho biết ba loại hình chính của du lịch tâm linh có đóng góp lớn cho kinh tế. Nhiều ngôi chùa đẹp được xây dựng trở thành điểm du lịch yêu thích của giới trẻ. Đây là dấu hiệu tích cực bởi trước đây, người Việt thường phải sang nước ngoài để chiêm bái các ngôi chùa đẹp, quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc khai thác du lịch tâm linh sao cho hiệu quả về mặt kinh tế và không “biến tướng”, “thương mại hóa” là điều quan trọng. Ông Đạt chia sẻ từng có trải nghiệm không tốt khi du lịch một ngôi chùa lớn vì nhân viên liên tục chèo kéo, nói sai sự thật về dịch vụ. Bản thân ông Đạt thích loại hình thứ tư hơn nhưng thừa nhận khó tổ chức vì “cung không gặp cầu”.
Tú Nguyễn – Vân Khanh