Couchsurfing là một mạng lưới tìm kiếm nơi ở miễn phí toàn thế giới, giúp các surfer (khách du lịch, những người có nhu cầu tìm nơi lưu trú) kết nối với host (chủ nhà, người chia sẻ chỗ ở). Đến ở nhờ nhà một người chưa từng gặp và trò chuyện nghe có vẻ lạ lẫm, rủi ro… nhưng Anh Thy, người từng hai lần ở nhà người lạ miễn phí khi du lịch nước ngoài, có quan điểm khác và kinh nghiệm về việc này.

Chủ nhà của Thy trong chuyến đi Hàn Quốc tháng trước.

Thy trong chuyến đi Hàn Quốc tháng trước cùng với một guide là người địa phương.

Trước khi tham gia Couchsurfing, Thy đã dành khoảng 3 tuần tìm hiểu, đọc về kinh nghiệm từ các surfer trong và ngoài nước. Thy chỉ ra một vài điều cần lưu ý khi tìm kiếm chỗ ở trên Couchsurfing:

– Dùng bộ lọc để tìm được host phù hợp với nhu cầu (về vị trí nhà, yêu cầu chỗ ở, giới tính của gia chủ…)

– Đọc kỹ profile (sơ yếu lý lịch) của chủ nhà và references (đánh giá công khai từ những người đã trải nghiệm trước) để kiểm tra độ uy tín. Nếu vẫn chưa chắc chắn, bạn có thể liên hệ với những khách du lịch trước đó để hỏi kỹ hơn.

– Trao đổi qua inbox của Couchsurfing thay vì dùng email hay mạng xã hội khác. Điều này giúp ban quản lý Couchsurfing có thể hỗ trợ bạn trong trường hợp gặp sự cố.

– Khi tìm được host mà bạn cảm thấy phù hợp, hãy gửi yêu cầu cho họ. Sau đó, chỉ việc chờ đợi phản hồi.

– Ngoài chủ động tìm host, bạn còn có thể tạo cơ hội để host đến với bạn, bằng cách đăng thông tin về chuyến đi của mình lên Couchsurfing: lịch trình, lý do thực hiện chuyến đi, lý do bạn muốn được host, bạn có thể chia sẻ những gì với host… Cũng như khi viết profile, bạn nên đầu tư thời gian và tâm huyết nếu thực sự muốn host tin tưởng và đến với bạn.

Thy đã thành công nhờ viết gần một trang A4 giới thiệu chuyến đi của mình, trong đó giải thích cặn kẽ lý do chọn Couchsurfing thay vì thuê khách sạn, thời gian đến và đi, những điều có thể tạo ấn tượng với chủ nhà.

“Điều này tưởng nhỏ mà có ích. Đôi khi họ thấy mình có một điểm chung là đồng ý nhận luôn. Như tôi viết rõ tính cách mình là hướng nội, thích giao tiếp 1-1 hơn tụ họp hội nhóm, sở thích là chụp ảnh”, Thy nói. Cô còn đăng thêm nhiều ảnh du lịch của bản thân để gia chủ biết mình không phải một tài khoản ảo.

Ông Rick có đặt một quyển sổ tay trong phòng để các surfer chia sẻ lại kinh nghiệm cho những người đến sau. Trong ảnh là phần chia sẻ từ Thy.

Ông Rick có đặt một quyển sổ tay trong phòng để các surfer chia sẻ lại kinh nghiệm cho những người đến sau. Trong ảnh là phần chia sẻ từ Thy.

“Chỉ vài ngày sau khi đăng thông tin chuyến đi của mình, ông Rick ở Chiang Mai (Thái Lan) đã gửi lời đề nghị tiếp đón tôi. Tôi không đồng ý ngay mà vào đọc kỹ sơ yếu lý lịch của ông, xem ảnh về căn nhà và đọc tất cả 178 đánh giá công khai từ những vị khách trước đó về ông”, Thy nói.

Theo Thy, nên lưu ý đến những đánh giá không tích cực (dù chỉ một cái). Sau khi kiểm tra tất cả nguồn thông tin về chủ nhà, bạn có thể đợi đến gần ngày đi xem có lựa chọn tốt hơn nào không rồi mới chấp nhận đề nghị. Có thể nghiên cứu trước thông tin về khách sạn, nhà nghỉ sẽ thuê (địa chỉ, hotline, cách di chuyển, chi phí…) phòng trường hợp chủ căn nhà bạn sắp đến đột ngột đổi ý không đón khách nữa.

Những rủi ro có thể xảy ra, như việc bị chủ nhà quấy rối (bằng lời nói hoặc hành động). Đây là vấn đề nhiều người lo ngại nhất khi dùng Couchsurfing. Thy giải thích, việc quấy rối xuất phát từ sự khác biệt trong văn hóa, chuẩn mực ứng xử của từng quốc gia. Đối với người ở nước này có thể đó là hành vi quấy rối của chủ nhà, nhưng người ở nước khác thì không thấy vậy. Thế nên, cô thường đọc kỹ từng đánh giá về host, với những đánh giá tiêu cực thì sẽ xem lý do là gì.

“Chuyện bị quấy rối có thể xảy ra ở bất kỳ đâu chứ không riêng gì ở Couchsurfing. Cần có kỹ năng bảo vệ bản thân khi đi du lịch. Hãy thông báo cho người quen về lịch trình của mình. Nếu có người quen tại nước mình đi du lịch thì nên hỏi họ về chỗ ở dự phòng nếu sự cố xảy ra. Lưu sẵn số điện thoại cảnh sát hoặc hotline hỗ trợ tại địa phương. Nếu không thấy an toàn khi ở Couchsurfing, có thể rời đi ngay”, Thy nói thêm.

Cuối cùng, Thy khuyên nếu đã đến nhà host thì hãy trân quý khoảng thời gian ở cùng và những điều họ đã hỗ trợ mình. Hãy tôn trọng các quy định mà gia chủ đưa ra khi bạn ở nhà của họ, có ý thức giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp trước khi rời đi như khi bạn vừa đến.

Yến Nhi
Ảnh: NVCC

Source