Từ ngày 24/1, khuôn viên Nhà văn hoá Thanh niên TP HCM và đường Phạm Ngọc Thạch rộn ràng không khí Tết. Cả một khu rợp vàng với hơn 100 gốc mai trang trí. Đây là một phần hoạt động trong Lễ hội Tết Việt được tổ chức thường niên 18 năm qua.

Nổi bật là tiểu cảnh vườn mai trong sân Nhà văn hoá thanh niên, với gần 50 cây cao trung bình 2 – 3 m, chính giữa là hình tượng rồng – linh vật của Tết năm nay.

Trưa 26/1, quanh các gốc mai đông đúc người chụp ảnh, dạo chơi. Dù chỉ là hoa giả, màu vàng rực của loài hoa tượng trưng Tết phương Nam khiến khu vườn tràn ngập sắc xuân.

Từ ngày mở cửa, các tiểu cảnh mai luôn tấp nập người dân tới tham quan, chụp hình từ sáng đến tối. Hầu hết mọi người đều diện áo dài đủ màu sắc, thướt tha tạo dáng chụp ảnh Tết.

Tại đây du khách có thể thuê áo dài với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng, các gian hàng còn bán thêm hoa mai, đào giả để làm đạo cụ chụp ảnh.

Đỗ Tú Anh, quận Tân Phú, thuê áo dài, mang thêm mấn đội đầu, quạt để tạo dáng chụp ảnh. “Những tiểu cảnh ở khu vườn hoa mai rực rỡ sắc xuân, có thể đứng góc nào cũng ra được tấm ảnh đẹp”, cô gái 20 tuổi chia sẻ.

Nhà ở TP HCM nên năm nào Nguyễn Thuỳ Trang, 20 tuổi (áo đỏ) cũng cùng bạn bè, gia đình ra Nhà văn hoá thanh niên chụp hình dịp Tết. “Mỗi năm nơi này lại trang trí một kiểu khác nhau, điểm nhấn vẫn là những cây mai vàng”, Trang cho biết.

Chị Thanh Nguyên, 30 tuổi, bế con trai đi dạo khu vườn mai.

Các tiểu cảnh khác quanh vườn mai tái hiện lại hình ảnh Tết xưa với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi. Vật liệu được sử dụng là các sản phẩm của làng nghề truyền thống như nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại.

Tại tiểu cảnh tái hiện không gian nhà cổ, Trương Xuân Quỳnh Như, 18 tuổi (áo xanh) tự cài đặt điện thoại để chụp ảnh, quay video về chủ đề Tết. “Em muốn tạo ra những clip vui tươi trong dịp năm mới”, Quỳnh Như nói.

Nhóm bạn tạo dáng tái hiện cảnh quây quần bên nồi bánh chưng ngày Tết.

Con đường Phạm Ngọc Thạch cạnh Nhà văn hoá Thanh niên nhiều năm nay cũng “hoá thân” thành đường hoa mỗi dịp Tết Nguyên đán. Khoảng 100 m đường được trang trí hàng chục cây mai, đào khoe sắc.

Bên cạnh vườn mai là Phố ông đồ trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch sau 18 năm tổ chức cũng là điểm du xuân quen thuộc mỗi dịp Tết của người dân.

Người dân, du khách còn được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật như hát bội, đờn ca tài tử Nam bộ, hát bài chòi, biểu diễn Lân Sư Rồng. Các chương trình đan xen với hoạt động mua sắm, ẩm thực diễn ra liên tục. Lễ hội Tết Việt diễn ra đến ngày 14/2 (mùng 5 Tết), mở cửa từ 8 – 22 giờ.

Quỳnh Trần