Eugenio Ajroldi di Robbiate, cựu Giám đốc truyền thông của The Sovereign Military Order of Malta (Dòng chiến sĩ Toàn quyền Malta hay Dòng Hiệp sĩ Malta) “muốn bật cười” khi nhìn thấy phản ứng của nhân viên tại sân bay Bangkok, Thái Lan. Họ đã đổ xô đến để chụp ảnh selfie với cuốn hộ chiếu hiếm hoi của Robbiate. “Có thể họ chưa từng nhìn thấy chúng trước đây”, ông nói trên CNN hôm 2/2.
Hộ chiếu Robbiate sở hữu là một trong những cuốn hộ chiếu hiếm nhất thế giới, hiện có khoảng 500 người nắm giữ và do Dòng Hiệp sĩ Malta cấp phát. Khoảng 70% thành viên khối Schengen công nhận hộ chiếu này. Dòng cũng hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức như Pháp, Anh và Mỹ.
Tên đầy đủ của The Sovereign Military Order of Malta là Sovereign Military Hospitaller Order of Saint John of Jerusalem of Rhodes and of Malta (Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Cứu tế Thánh Gioan của Jerusalem, Rhodes và Malta). Dòng tu Công giáo này có gần 1.000 năm lịch sử, hoạt động như một lực lượng quân sự. Thành viên là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất thế giới, được đánh giá là lực lượng hào hiệp, thượng võ. Đó là lý do hộ chiếu của Dòng được nhiều người gọi bằng cái tên: Hộ chiếu của Hiệp sĩ.
Ngày nay họ hoạt động giống tổ chức viện trợ nhân đạo, tài trợ hàng triệu USD hỗ trợ người dân trên gần 120 quốc gia. Hội cung cấp vật tư y tế và nhân đạo nhanh chóng cho các nạn nhân của xung đột hoặc thiên tai, điều hành các bệnh viện, đội cứu thương, trung tâm y tế, nhà cho người già và người khuyết tật, bếp nấu ăn và trạm sơ cứu.
Dòng Hiệp sĩ Malta cũng được công nhận là quan sát viên của Liên Hợp Quốc, có hiến pháp riêng. Ngoài hộ chiếu, hội cũng có tem, tiền tệ, biển số ôtô riêng nhưng do không sở hữu bất kỳ vùng đất nào nên không có đường riêng. Hiện tại, hội có 3 cơ sở chính: Palazzo Malta (nơi ở của Đại hiệp sĩ) tại Rome, Villa del Priorato di Malta trên đồi Aventine (cơ quan chính phủ) ở Italy và lâu đài Saint Angelo trên đảo Malta.
Cuốn hộ chiếu đầu tiên xuất hiện vào những năm 1300 khi các nhà ngoại giao của họ đi khắp nơi với vai trò đại sứ. Sau Thế chiến II, các cuốn hộ chiếu sử dụng rộng rãi hơn.
Hộ chiếu màu đỏ thẫm, được trang trí với dòng chữ bằng vàng ghi tên tổ chức và một huy hiệu, có 44 trang được đóng dấu hình chữ thập. Hộ chiếu của những người đứng đầu dòng có giá trị lâu nhất, 10 năm, nếu họ làm hai nhiệm kỳ. Hộ chiếu của những người có vị trí thấp hơn có giá trị 4 năm.
Daniel de Petri Testaferrata, người đứng đầu trụ sở tại Malta, nói hiện có khoảng 13.500 hiệp sĩ, phu nhân, giáo sĩ trên toàn cầu và có khoảng 100 người sống tại quần đảo Malta.
Ngày nay du khách đến đảo Malta có thể khó gặp các hiệp sĩ nhưng có “rất nhiều địa điểm trên khắp quần đảo để bạn tìm hiểu về lịch sự của hội” như pháo đài St Angelo màu mật ong nằm trên đảo chính. Công trình có từ thời trung cổ, từng là trụ sở chính của hội.
De Petri Testaferrata nói nhà nguyện dành riêng cho thánh Anne ở phần trên của Pháo đài vẫn được Dòng chăm sóc. Bạn có thể tham quan phần này của pháo đài để xem người đứng đầu hội cầu nguyện hàng ngày.
Bên trong những bức tường thành cổ của Mdina, thủ đô thời trung cổ của Malta và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, du khách có thể tìm hiểu thêm về Dòng qua trải nghiệm “The Knights of Malta”.
Tại thủ đô Valletta, du khách có thể tiếp tục theo dấu chân các hiệp sĩ khi ghé thăm Thư viện quốc gia, nơi lưu giữ tấm giấy da Giáo hoàng Paschal II sử dụng năm 1113.
Dane Munro, hướng dẫn viên du lịch và nhà sử học chuyên về lịch sử của Dòng, cho biết: “Bộ sưu tập của thư viện bao gồm các tài liệu gốc và bản thảo của Dòng. Sau thư viện, khách có thể đi sang đường để đến Cung điện của Grand Master (đại hiệp sĩ) tham quan.
Anh Minh (Theo CNN)