Swiftonomics hay nền kinh tế Taylor Swift là thuật ngữ mới được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đề cập lần đầu tiên vào tháng 7/2023. Các buổi hòa nhạc của Taylor Swift không chỉ là những sự kiện âm nhạc mà còn đóng vai trò là động lực phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế địa phương.
Singapore đã tận dụng triệt để nền kinh tế đặc biệt này. Họ thuyết phục thành công Taylor Swift chọn Singapore là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á tổ chức 6 đêm diễn The Eras Tour, bắt đầu từ 2/3.
Hàng trăm nghìn người hâm mộ trong khu vực đổ về tham gia các đêm diễn, mang lại sự bùng nổ du lịch cho Singapore và thu về hàng triệu USD. Hơn 300.000 vé của 6 đêm diễn tại Sân vận động Quốc gia Singapore đã bán hết. Giá vé VIP hơn 900 USD.
Theo các nhà quan sát, thỏa thuận độc quyền đã “dấy lên sự ghen tị” giữa các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều nước “phẫn nộ” khi biết Singapore “đã chi một khoản tài trợ” để thuyết phục Taylor Swift. Hiện tại, Singapore không công bố số tiền tài trợ dành cho Taylor Swift nhưng theo tiết lộ của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hôm 16/2 là gần 3 triệu USD.
Một số chính trị gia và người hâm mộ trong khu vực đánh giá Singapore “chơi không đẹp”. Joey Salceda, thành viên của Hạ viện Philippines, hôm 28/2 mô tả động thái của Singapore là “không phải hành động một nước láng giềng tốt nên làm”. Salceda chỉ ra điều đáng chú ý trong thỏa thuận này là khiến Taylor Swift chấp thuận “không tổ chức thêm đêm nhạc ở bất kỳ nơi nào khác trong khu vực”. Ông nói sẽ thúc đẩy Bộ Ngoại giao Philippines yêu cầu sứ quán Singapore giải thích về thỏa thuận độc quyền này.
Quan điểm của Salceda gây chia rẽ. Một số người dân nói ông “nhỏ mọn”. Thay vì đòi Singapore giải thích về thỏa thuận, Philippines nên tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, tiện nghi để thu hút khách.
Những người khác đồng tình và cho rằng điều khoản độc quyền của Singapore đã tước đi cơ hội thúc đẩy du lịch khẩn thiết của Philippines cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng mối quan hệ Singapore – Philippines không vì chuyện này mà xấu đi.
Thủ tướng Srettha Thavisin cũng tuyên bố sẽ triển khai nhiều biện pháp mới để thu hút những người có thành tích hàng đầu đến. “Chúng tôi có thể đưa những nghệ sĩ hạng A và đẳng cấp thế giới đến Thái Lan”, ông Thavisin nói. Một trong các biện pháp là miễn thị thực, thay đổi quy định về sử dụng đồ uống có cồn tại những buổi hòa nhạc, điều chỉnh giờ hoạt động của các tụ điểm giải trí.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết chính phủ cần “những gì Singapore đã làm được, đó là mang Taylor Swift về”. “Chúng tôi cần Swiftonomics ở Indonesia”, Uno nói và cho biết thêm đã thành lập Quỹ Du lịch trị giá gần 130 triệu USDđể hỗ trợ các sự kiện âm nhạc, thể thao, văn hóa nhằm hút khách quốc tế.
Các nhà quan sát của Singapore cho biết các khoản tài trợ mà chính phủ cung cấp cho tour diễn của Taylor Swift là “một chiến lược chung” để thu hút các hoạt động quốc tế lớn.
Dylan Loh, chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết mối quan hệ của quốc gia mình với các nước Đông Nam Á “rất bền vững”. Loh tin rằng sự kiện Taylor Swift không tạo ra tác động tiêu cực giữa các nước trong khu vực.
Alan Chong, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam cũng chỉ ra có nhiều yếu tố khác đã thu hút Taylor Swift quyết định chọn Singapore là điểm dừng chân duy nhất tại Đông Nam Á cho The Eras Tour. “Singapore là điểm đến chiến lược. Chúng tôi có kết nối bằng đường hàng không, bộ và biển rất tốt, đến hầu hết các nước Đông Nam Á”, Chong nói và cho rằng tổ chức 6 đêm nhạc tại Singapore là điều hợp lý.
Tuy nhiên, Sinagpore có thể sẽ có cách tiếp cận khác với các hoạt động của sao hạng A trong tương lai. Chính phủ sẽ nhạy cảm hơn về cách người khác nhìn nhận vấn đề, theo Chong. “Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu điều đó nâng cao lợi ích quốc gia thì chúng tôi vẫn sẽ làm”, Chong nói.
Anh Minh (Theo SCMP)