Chị Thùy Linh, quê Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết cùng gia đình 12 người tham quan núi Cấm trong hai ngày, một đêm. Sau khi đi xe ôm lên núi, gia đình chọn đi bộ quanh các điểm tham quan như giếng Gia Long, vồ Thiên Tuế, hang Bạch hổ.

Buổi tối chị cùng gia đình thưởng thức có món ăn ở chợ đêm, tham dự một số nghi thức cúng Cửu huyền trên điện Bồ Hông. “Gia đình đã có chuyến đi đầu năm nhiều ý nghĩa. Đi bộ nhiều song ai cũng khỏe và vui”, chị Linh cho biết.

Du khách tham quan núi Cấm vào ngày mùng 5. Ảnh: Phạm Vũ

Du khách tham quan núi Cấm trong ngày mùng 5 Tết. Ảnh: Phạm Vũ

Ông Đinh Văn Chắc – Giám đốc Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm, cho biết ngày mùng 5 có hơn 12.000 du khách tham quan (chỉ đường bộ chưa tính cáp treo), nâng tổng lượt người tham quan gần 57.000 trong 5 ngày đầu năm.

Ông Chắc nói thêm núi Cấm Tết này được chăm chút nhiều về cảnh quan, đường giao thông, đèn chiếu sáng… “Du khách tham quan núi Cấm có giảm nhẹ song là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế khó khăn”.

Cước vận chuyển lên núi ghi nhận giảm từ 150.000 đồng xuống còn 100.000 đồng (hai lượt) đối với xe ôm. Riêng vé cáp treo cũng giảm mạnh từ từ 350.000 xuống 220.000 đồng (khứ hồi). Động thái giảm giá vé của cáp treo trái ngược so với năm ngoái khi những ngày Tết giá vé bất ngờ tăng hơn 50%.

Du khách tham quan điện Bồ Hông với nghi thức cúng cơm cửa huyền trăm họ. Ảnh: Phạm Vũ

Du khách tham quan điện Bồ Hông với nghi thức cúng cơm Cửu huyền trăm họ. Ảnh: Phạm Vũ

Cách TP HCM hơn 250 km, Núi Cấm là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của An Giang, còn có tên gọi khác là Thiên Cấm Sơn, cao hơn 700 m, là ngọn núi cao nhất miền Tây.

Núi Cấm cùng với núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng hay núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn) và hơn 30 núi chưa có tên tạo nên vùng Bảy Núi thu hút rất đông du khách mỗi năm.

Ngọc Tài