Độc giả Trịnh Hằng, ngoài 40 tuổi, Hà Nội, có chuyến du lịch Italy hai tuần vào tháng 2. Chị chia sẻ với độc giả VnExpress về các trải nghiệm của mình.
“The Last Supper” (Il Cenacolo hay L’Ultima Cena) được người Việt biết đến với tên “Bữa tiệc ly” hoặc “Bữa tối cuối cùng”, được CNN xếp thứ hai trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới, sau “Mona Lisa”. Cả hai đều là tác phẩm của Leonardo da Vinci, vĩ nhân Italy, người suốt cuộc đời chỉ vẽ gần 20 bức tranh.
“Mona Lisa” là chân dung cỡ nhỏ, đã theo danh họa khi ông từ Italy đến Pháp sống những năm tháng cuối đời, hiện là tác phẩm thu hút nhiều sự quan tâm nhất ở Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp). Trong khi đó, “The Last Supper” là tranh tường khổ lớn, được Leonardo thể hiện trên bức vách phòng ăn của nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở Milan, vì thế tác phẩm này vẫn còn ở Italy. Hiện tác phẩm do bảo tàng Cenacolo Vinciano, nằm tại nhà thờ Santa Maria delle Grazie, quản lý.
“The Last Supper” ra đời cách đây hơn 500 năm, ngày nay trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa đại chúng. Nhiều tác phẩm ra đời dựa trên đề tài này, nhưng bức họa của Leonardo nổi tiếng nhất. Hàng tỷ người trên thế giới đã biết đến “The Last Supper” thông qua tranh ảnh, tạp chí, bưu thiếp, tem thư, quần áo thời trang, tiểu thuyết, và cả những bộ phim bom tấn của Hollywood.
Nhưng không nhiều người có cơ hội được nhìn tận mắt “The Last Supper” bởi nó được gìn giữ rất cẩn thận và bán vé hạn chế. Bảo tàng bán vé tham quan định kỳ ba tháng, vé của tháng 2, 3 và 4 năm 2024 được mở bán vào ngày 19/12/2023 và được mua hết nhanh. Du khách hiện muốn mua vé phải đợi đến kỳ mở bán tiếp theo cho các tháng 5, 6 và 7.
Từ tháng 8/2023, sau khi xin được visa đi Italy, chúng tôi đã vào website của bảo tàng để tìm hiểu cách mua vé. Khi đọc điều kiện bán vé, chúng tôi ngạc nhiên vì đây là bảo tàng đưa ra điều kiện chặt chẽ nhất trong số hàng trăm bảo tàng ở nhiều quốc gia mà chúng tôi từng ghé thăm. Mỗi du khách chỉ có thể mua tối đa 5 vé, hai lần mỗi năm. Vé cần khai báo đầy đủ tên của du khách, khi đến nơi, du khách xuất trình giấy tờ tùy thân với tên tương ứng. Mỗi lượt tham quan chỉ kéo dài 15 phút, theo đúng khung giờ đã đặt. Du khách cần có mặt tại bảo tàng ít nhất 30 phút trước khi bắt đầu chuyến tham quan. Nếu đến muộn sẽ bị mất vé. Vé đã mua không được hoàn trả tiền trong bất kỳ trường hợp nào. Vào bảo tàng không được quay phim, chỉ được chụp ảnh không dùng đèn flash.
Giá vé vào bảo tàng Cenacolo Vinciano là 15 euro cộng với 9 euro dịch vụ, tổng cộng 24 euro một người. Trong khi cách đó vài trăm mét, bảo tàng đồ sộ trong lâu đài Sforzesco Castle với hàng nghìn tác phẩm kinh điển giá vé 5 euro. Tại Pháp, vé vào cửa bảo tàng Louvre cũng chỉ 22 euro, không giới hạn thời gian tham quan.
Trước khi đến, chúng tôi tưởng tượng nhà thờ Santa Maria delle Grazie hẳn đồ sộ, lộng lẫy còn bảo tàng Cenacolo Vinciano đầy các tác phẩm kinh điển. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi bất ngờ vì nhà thờ khá nhỏ, phong cách kiến trúc và trang trí đơn giản so với Duomo di Milano – nhà thờ chính tòa cùng thành phố. Vào nhà thờ không phải mua vé, nhưng vào phòng ăn cũ, nơi có “The Last Supper”, thì phải đặt chỗ trước hàng tháng.
Không có gì ngạc nhiên, bên ngoài bảo tàng thường xuyên đặt tấm biển “Hết vé” và rất nhiều du khách phải ra về. Sau khi làm nhiều thủ tục, xuất trình hộ chiếu và gửi toàn bộ hành lý, chúng tôi tập trung trước cửa nhà thờ – nơi bắt đầu tour tham quan. Du khách bắt buộc phải đi theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 20 người và đi theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên, ra và vào phòng ăn cũ của nhà thờ đúng khung giờ đã đặt, chính xác từng phút.
Khi bước vào bảo tàng, chúng tôi mới vỡ lẽ, nơi đây chỉ giới thiệu một tác phẩm duy nhất, đó chính là “The Last Supper”. Bảo tàng – gian phòng ăn cũ của nhà thờ – không có thêm bất kỳ hiện vật gì ngoài bốn bức tường. Để bảo quản được lâu dài, bốn bức tường của gian phòng không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, được duy trì ánh đèn nhẹ. Trong cảm giác thành kính và xúc động trước một di sản văn hóa vô giá của nhân loại, tất cả du khách đều yên lặng ngắm nhìn. Mọi người đều phải đứng xa ít nhất một mét, không ai được chạm vào bức tường. Chỉ khoảng 20 du khách nhưng thường xuyên có 5-6 nhân viên bảo tàng quan sát, nhắc nhở những người định quay video hoặc lỡ bật đèn flash.
Trên thực tế, “The Last Supper” trông nhạt màu hơn rất nhiều so với vô số phiên bản lịch tường và phim ảnh mà chúng tôi từng nhìn thấy. Tuy vậy, cách thể hiện đầy sáng tạo, những biểu tượng và ẩn dụ sâu sắc cùng nhiều chi tiết đắt giá trên gương mặt, tư thế từng nhân vật mà Leonardo khắc họa, vẫn còn nguyên giá trị và vô cùng rõ nét sau 500 năm.
Tác phẩm cỡ lớn 4,6 m x 8,8 m này hiện là bảo vật vô giá của Italy. Có lẽ vì thế mà vào thăm “The Last Supper” khó khăn hơn rất nhiều so với những tác phẩm hội họa, điêu khắc nổi danh khác, bao gồm “Mona Lisa”. Năm ngoái, chúng tôi đã được thăm nàng Mona Lisa trong một gian phòng có hàng trăm người ở Louvre. Nhưng chuyến viếng thăm Cenacolo Vinciano là trải nghiệm đáng giá đối với bất kỳ du khách nào khi đến Italy.
Trịnh Hằng