Có quê ngoại ở Lào, Phạm Thị Minh Phương (Phương Possible), 33 tuổi, một “phượt thủ” tại TP HCM quyết định thực hiện chuyến đi đến đất nước triệu voi ăn Tết và du xuân. Không mua được vé máy bay đến Lào, chị chọn đi xe khách tới Savannakhet và trải nghiệm tham quan nơi đây bằng xe máy.
Phương xuất phát ngày 3/2 (24 tháng Chạp), từ TP HCM đi xe khách qua bốn cửa khẩu tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Từ TP Pakse, tỉnh Champasak, chị tiếp tục bắt xe đến Savannakhet để đoàn viên cùng người thân trong gia đình. Trên đường đi, Phương cảm nhận không khí Tết rạo rực, gần gũi với những cửa hàng được trang trí đèn lồng, câu đối đỏ. Tại công viên trung tâm tỉnh Savannakhet, có không gian trang trí theo chủ đề Tết Việt với dòng chữ “Chúc mừng năm mới” nổi bật, để du khách dừng chân, chụp ảnh. “Cảm giác gần gũi và xúc động” khi đến nước bạn mà vẫn thấy không khí Tết Việt, chị nói.
Một số thành phố ở Lào như Pakse, Savannakhet, Viêng Chăn có nhiều người Việt sinh sống nên không khí Tết và các hoạt động không khác biệt nhiều so với Việt Nam. Nhà ngoại Phương sinh sống tại Lào từ năm 1945 và vẫn giữ gìn truyền thống đặc trưng trong ngày Tết như mâm ngũ quả, cành đào Tết, cúng giao thừa, lì xì, đi thăm họ hàng và chúc Tết năm mới. “Nhiều gia đình Việt sống tại Lào vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng này”, Phương chia sẻ.
Sau khi trải nghiệm Tết Việt cùng người thân, nữ “phượt thủ” hội tụ với nhóm bạn tại Viêng Chăn, bắt đầu hành trình du xuân, khám phá. Ở Lào, ngày Tết khá tương đồng như Việt Nam, nhiều người đến chùa nên chị chọn lịch trình đầu tiên là viếng thăm các chùa nổi tiếng ở thủ đô Viêng Chăn như chùa Si Muang, chùa That Luang, vườn tượng Phật và khải hoàn môn Patuxay.
Rời Viêng Chăn đến Vang Viêng, nhóm chị Phương thuê xe máy road trip trên chặng đường 130 km. Cung đường đi có nhiều điểm tham quan nổi tiếng với nhiều hang động, đầm nước xanh đặc trưng của khu vực núi đá vôi. Nhóm du khách dừng chân ngắm cảnh ở những nơi tầm cao, có góc nhìn rộng để thu vào mắt hết những cảnh đẹp thiên nhiên tại Lào.
Sau khi đi qua những đoạn đường núi quanh co, hiểm trở với những hố sụt nằm rải rác khắp nơi, sạt lở khiến bụi đất mịt mù để đến cố đô Luang Prabang, cả nhóm được thưởng thức “viên ngọc xanh” của Lào – thác Kuang Si. Kuang Si là quần thể gồm 3 ngọn thác, ngọn chính cao 60 m. Dòng thác đổ xuống tạo nên những tầng nước thơ mộng. Du khách không chỉ ngắm nhìn mà còn có thể bơi lội, ngâm mình dưới dòng nước trong, mát. Buổi sáng, chị Phương bắt gặp một trong những hình ảnh đẹp của cố đô, đó là các đoàn sư đi khất thực và người dân kính cẩn tiếp đón.
Đến đỉnh Phou Khoun, Luang Prabang vào chiều 30/12 âm lịch, cả nhóm hào hứng khi được đón giao thừa trong không khí lạnh và mưa nhẹ giống tiết trời ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Cùng nghỉ tại farmstay với nhóm chị Phương là một nhóm khách du lịch châu Âu. Họ cũng rất hào hứng khi biết đêm đó là đêm giao thừa của Việt Nam và vui vẻ cùng cụng ly, bắn pháo hoa mừng năm mới. “Đây là khoảnh khắc ấn tượng nhất chuyến đi”, chị Phương cho biết.
Rời Phou Khoun, nhóm di chuyển qua Viêng Chăn về Pakse. Trên đường, họ ghé thăm Wat Phou, đền thờ lâu đời nhất ở Lào, được xây dựng từ thế kỷ V. Ban đầu Wat Phou là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 13, Wat Phou trở thành trung tâm của Phật giáo Tiểu thừa và tồn tại cho đến ngày nay. Ngôi đền còn lưu giữ những dấu ấn rõ nét của đế chế Champa với kiến trúc cổ, có sự giao thoa giữa văn hóa của người Khmer và đạo Hindu. Năm 2001, ngôi đền được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Chi phí chuyến đi trong gần 10 ngày của Phương chưa đến 10 triệu đồng. Các chi phí ăn uống, lưu trú ở Lào khá rẻ và không có phụ thu do đây không phải lễ tết của họ. Tết cổ truyền của người Lào là Tết té nước Bunpimay, diễn ra vào tháng 4 hằng năm theo Phật lịch.
Dù đã có nhiều kinh nghiệm phượt các cung đường hiểm trở ở Việt Nam như Đông Bắc, Tây Bắc, chị Phương vẫn bị ngã xe trên đường di chuyển đến Vang Viêng. Chị cho biết ở Lào có nhiều đoạn đường hỏng hoặc đang sửa chữa, ổ gà ngay tại khúc cua, nên xe thường xuyên bị sụt xuống hố. Du khách nên cân nhắc về phương tiện di chuyển, nếu tay lái yếu có thể lựa chọn tàu cao tốc hoặc xe bus, giúp tối ưu thời gian trải nghiệm.
Dù còn nhiều điểm chưa thể đặt chân đến, chuyến du xuân tại Lào đúng dịp Tết mang cho Phương cảm giác “may mắn” và “trọn vẹn”. “Đây cũng là động lực để tôi quay lại Lào trong tương lai, hoàn thành những trải nghiệm dang dở”, chị nói.
Quỳnh Mai
Ảnh: Phương Possible