YouTuber Luke Korns, 27 tuổi, đầu tháng 3 chia sẻ chuyến thăm Utupua, một trong những đảo xa nhất thuộc Solomon, quốc đảo gồm 6 đảo lớn và hơn 900 đỏ nhỏ nằm trên châu Đại Dương, tiếp giáp Australia, New Caledonia, Vanuatu, Fiji, Tuvalu. Theo điều tra dân số năm 2019, Utupua là nơi sinh sống của gần 1.000 cư dân và có 5 ngôi làng, chỉ có thể đến được bằng thuyền riêng. Trên đảo không có điện, cửa hàng cũng như không có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nào sử dụng tiền.

Luke (áo đen) đang ngồi trước cửa một căn nhà trên đảo Utupua và trò chuyện với người dân. Ảnh cắt từ video

Luke (áo đen) ngồi trước cửa một căn nhà trên đảo Utupua và trò chuyện với người dân. Ảnh cắt từ video

Để đến được nơi này, Luke đã phải thực hiện nhiều chuyến bay từ Mỹ đến thủ đô của Solomon – Honiara. Từ đây, anh ngồi máy bay nhỏ hơn đến đảo Nendo và gặp John Mark, người sinh ra ở Utupua nhưng rời quê đã lâu và đang muốn về nhà. Không có dịch vụ thuyền công cộng đến đảo nên hai người cùng nhau thuê một chiếc tàu nhỏ gắn máy để thực hiện chuyến đi. Hai người đàn ông đổ xăng đầy bình vì trên đảo Utupua không có nơi nào bán nhiên liệu. John Mark nói cách đây 4 năm đã đến làng Lata trên đảo Nendo kiếm sống và chưa về thăm nhà lần nào.

Trong cuộc trò chuyện, John tiết lộ với Luke cuộc sống ở Utupua “đơn giản, thú vị” và đặc biệt người dân không cần tiền. “Tôi không thực sự thấy vui khi đến Lata vì ở đây phải sử dụng tiền”, John nói.

Sau một ngày rong ruổi trên biển cuối cùng họ cũng đặt chân đến bờ biển Utupua vào ban đêm. Người dân trên đảo ùa đến chào đón họ với những ngọn đuốc thắp sáng trên tay để dẫn đường. Sau khi xuống thuyền, Luke phải xin phép các tù trưởng trên đảo cũng như giải thích lý do về sự xuất hiện của mình. Luke muốn quay video và chụp ảnh cuộc sống của người dân nơi đây để giới thiệu với du khách Mỹ nhằm quảng bá du lịch. Luke được chấp thuận ngủ lại qua đêm.

Luke tắm biển cùng người dân trong làng. Ảnh cắt từ video

Luke tắm thác cùng người dân trong làng. Ảnh cắt từ video

Khi ngủ dậy vào sáng hôm sau, Luke cảm thấy bối rối vì chưa quen ở trên một hòn đảo chưa tiếp xúc nhiều với nền văn minh. Luke thấy người dân trong làng đều mặc quần áo đẹp, chuẩn bị tham gia một buổi lễ chào đón giám mục mới. Sau một hồi ca hát và nhảy múa nhiệt tình trong đám hội, John Mark đưa Luke đi tham quan ngôi làng nơi anh sinh ra. Làng của John không có điện ngoài thắp sáng bằng đèn năng lượng mặt trời. “Tiền không thực sự được sử dụng trong cộng đồng của hòn đảo”, John nói.

Thay vì trả tiền, các gia đình sẽ mời các thành viên khác trong làng đến ăn. Việc mời ăn cứ diễn ra lần lượt và xoay vòng ngày này qua năm khác. John rất thích văn hóa mời ăn cả làng này và coi đây là “nét đẹp riêng của cộng đồng”, đề cao sự chia sẻ.

Chuyến đi đến nơi người dân không cần tiền của du khách Mỹ
 
 

Luke tìm hiểu cuộc sống người dân trên đảo. Video: YouTube/Luke Korns

Không chỉ vậy, người dân còn giúp đỡ nhau trong công việc hàng ngày, cùng nhau xây nhà.

Trong thời gian ở lại đảo, John đã lần lượt dẫn Mark ghé thăm từng ngôi làng. Đi đến đâu họ cũng được người dân địa phương hào hứng chào đón. Khi nói chuyện với người dân, Luke nhận thấy họ rất hạnh phúc khi được hòa mình vào thiên nhiên. Dù vậy người dân vẫn mong muốn được chính phủ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế – giáo dục. Hòn đảo hiện nhận được rất ít sự hỗ trợ từ bên ngoài nên người dân thường gọi Utupua là “nơi bị lãng quên”. Một người đàn ông chỉ cho Luke xem một cuốn sách có bản đồ Solomon, bản đồ ghi tên mọi hòn đảo, ngoại trừ Utupua.

John Mark cho biết sau chuyến đi lần này anh đã quyết định tranh cử vào vị trí “giám đốc truyền thông cho hòn đảo” cũng như tìm cách thu hút khách du lịch, cải thiện cuộc sống của người dân.

Giải thích lý do nói cuộc sống trên đảo “vô cùng đặc biệt”, John cho biết vì ở đây anh cảm nhận được sự thống nhất, đồng lòng của mọi người. Họ cùng nhau chung sống hòa bình với thiên nhiên, môi trường và giữa con người với nhau.

“Cuộc sống trên đảo giống như sống chung trong một gia đình lớn vậy. Thật tốt đẹp”, John nói.

Anh Minh (Theo DM)