Trịnh Thu Hằng (hơn 40 tuổi, Hà Nội) từng đi hàng chục tỉnh thành trong nước và các quốc gia trên thế giới. Chị chia sẻ trải nghiệm khi đến Trung Quốc năm 2023.
Trong lịch trình hơn 10 ngày của chúng tôi ban đầu không có quảng trường Thiên An Môn, vì đã xem quá nhiều trên TV rồi, dường như không có gì đáng để khám phá. Nhưng sau khi đến thăm Tử Cấm Thành, dạo bước sang Bảo tàng Quốc gia kế bên, chúng tôi tò mò khi thấy một hàng dài xếp hàng vào thăm quảng trường.
Xung quanh Thiên An Môn có dựng hàng rào, nhiều nhân viên an ninh được trang bị hàng loạt thiết bị hiện đại. Chúng tôi lại gần, giới thiệu là du khách nước ngoài muốn vào thăm. Họ lịch sự giải thích rằng bất kỳ du khách nào muốn vào đều phải đăng ký trước ít nhất một ngày thông qua Wechat, không có ngoại lệ. Đã đi hàng trăm quảng trường trên thế giới, từ Quảng trường Đỏ ở Moskva (Nga) hay Quảng trường Concorde ở Paris (Pháp) nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe nói việc vào quảng trường cũng phải đăng ký hay “xếp hàng online”.
Tại đây có một loạt biển cỡ lớn cùng QR code, hướng dẫn du khách từng bước đăng ký lấy suất vào quảng trường, tất cả đều bằng tiếng Trung. Chúng tôi cũng giở điện thoại ra, trong đó đã cài sẵn Wechat, và đăng ký ngày hôm sau, nhưng toàn bộ các khung giờ đã hết. Đây là quảng trường lớn nhất thế giới, có thể tiếp đón cùng lúc hàng trăm nghìn người, với diện tích 44 ha, gấp hơn 60 lần mặt sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội. Vì ngày hôm sau đã hết suất, chúng tôi đành đăng ký ngày kế tiếp với khung giờ sớm nhất, vì nghe người dân nói rằng lễ thượng cờ ở Thiên An Môn rất đáng xem.
Đến ngày đã đăng ký, chúng tôi dậy từ 2h45 sáng, nấu bữa sáng trong căn hộ thuê ở trung tâm Bắc Kinh rồi xuất phát. Đi lại vào giờ này là cả một vấn đề, bởi hàng ngày chúng tôi đều đi phương tiện công cộng, mà nửa đêm thì không có xe buýt hoặc tàu điện nào hoạt động. Tối hôm trước chúng tôi đã nhờ anh chủ nhà trọ đặt hộ xe taxi đến Thiên An Môn. Anh đã thử nhiều lần nhưng không có tài xế nào nhận xe giờ đó. Anh dặn 3h30 sáng cứ ra cổng khu chung cư, hy vọng có tài xế nhận cuốc xe của chúng tôi, nếu không thì có thể bắt taxi trên đường.
Với hy vọng mong manh, chúng tôi đứng đợi ở cổng khu chung cư từ 3h25 đến 3h35 không thấy taxi nào. Bắc Kinh say ngủ, chỉ có duy nhất một anh bảo vệ ngồi gần đó. Tôi lại gần, dùng hết tất cả các công cụ dịch thuật giải thích tình huống và nhờ anh đặt giúp một taxi qua app. Anh nhận lời, dù không biết chúng tôi là ai và cũng không biết một chữ tiếng Anh nào. Trong suốt 40 phút sau, anh kiên nhẫn đặt rồi không thấy ai nhận, anh lại đặt tiếp, cuối cùng cũng có một tài xế nhận cuốc xe và đến đón chúng tôi lúc 4h15, với giá 31 nhân dân tệ (khoảng 100.000 đồng). Anh còn dặn tài xế về điểm đến của chúng tôi, sau này chúng tôi mới hiểu, Thiên An Môn rất rộng, nếu xe dừng không đúng điểm thì chúng tôi sẽ phải đi bộ rất xa và dễ bị lạc.
Tài xế đưa chúng tôi đến Thiên An Môn thì đã 4h30. Lễ thượng cờ hàng ngày diễn ra trước bình minh. Vừa đặt chân xuống rìa quảng trường, chúng tôi đã kinh ngạc khi thấy hàng đoàn người chạy thật nhanh về phía quảng trường, ai cũng sợ muộn giờ. Nhưng để vào quảng trường không dễ: đầu tiên là một lớp an ninh với nhiều nhân viên mặc cảnh phục. Họ kiểm tra căn cước từng người, nếu là khách nước ngoài thì kiểm tra hộ chiếu. Ở lớp an ninh thứ hai, họ sẽ quét căn cước, hộ chiếu qua thiết bị đọc để xem có lịch hẹn trước không, có đúng khung giờ này không. Lớp an ninh thứ ba là soi chiếu toàn thân, nếu không mang vật gì khả nghi mới được vào.
Lớp an ninh cuối cùng là kiểm tra toàn bộ đồ đạc của du khách. Hai chúng tôi mỗi người một ba lô gọn nhẹ nhưng vẫn được yêu cầu bỏ tất cả ra. Nhân viên an ninh kiểm tra từng ngóc ngách của ba lô, còn lật giở từng trang giấy A4, rồi cầm quả trứng luộc chúng tôi chuẩn bị cho bữa sáng lên soi thật kỹ, lắc lắc ng xem có tiếng động lạ gì không, sau đó xác nhận mọi thứ đều ổn, tươi cười cảm ơn và mời chúng tôi vào quảng trường.
Thiên An Môn lúc này là cả một biển ước tính hàng chục nghìn người, dù đây chỉ là buổi sáng một ngày bình thường. Các cụ già, thanh niên, trẻ nhỏ, phụ nữ, nam giới, và nhiều người khuyết tật, tất cả mọi độ tuổi đều có mặt ở đây, tất cả đều đang cầm điện thoại giơ lên hướng về phía cột cờ. Đa số các em bé được bố mẹ công kênh, ai cũng mang vẻ mặt háo hức. Không hề ồn ào lộn xộn, họ vui vẻ đứng bên nhau, một đám đông khổng lồ nhưng rất yên bình. Vì chiều cao khiêm tốn nên tôi không quan sát được đầy đủ lễ thượng cờ, nhưng có thể cảm nhận rõ rệt sự hào hứng phấn khởi xen lẫn trang nghiêm, xúc động của những người đứng xung quanh. Một bầu không khí chưa từng gặp ở đâu. Chúng tôi không thấy người nước ngoài, có lẽ do ít du khách đủ kiên nhẫn để đăng ký trên app tiếng Trung, rồi lại dậy từ nửa đêm để đến Thiên An Môn.
Lá cờ được kéo lên lúc gần 5h, khi mặt trời đã ló rạng. Sau giây phút cùng ồ lên, mọi người bắt đầu tản dần đi, nhưng vẫn còn rất đông người ở lại vui chơi và nghỉ ngơi trên quảng trường. Chúng tôi cũng thấy hàng chục gia đình mang theo cả đồ ăn sáng, trải khăn và ngồi thưởng thức bữa sáng ngay tại chỗ. Nhiều nhóm thanh niên chụp ảnh kỷ niệm. Có những em bé thoải mái nằm ngủ trên quảng trường, trong lúc cha mẹ thảnh thơi ngồi ngắm cảnh và trò chuyện. Không ít người lớn cũng ngả lưng ngay bên bồn hoa ngủ bù, vì bất kỳ ai muốn có mặt ở đây lúc này cũng đều phải dậy từ nửa đêm. Quang cảnh Thiên An Môn dưới ánh bình minh rất đẹp. Ngoài các công trình nổi tiếng thế giới, nơi đây còn có vô số thảm hoa rực rỡ sắc màu được chăm sóc cầu kỳ, sinh động.
Một điều kỳ lạ khác là đám đông khổng lồ như thế, ai cũng tay xách nách mang nhưng chúng tôi đi khắp quảng trường không hề gặp một mẩu rác. Chỗ nào cũng sạch, thứ duy nhất “rác” trên quảng trường là một ít lá từ những hàng cây được trồng dày đặc xung quanh. Tôi quan sát một lúc mới thấy, tất cả du khách ở đây đều cho rác vào túi xách, ba lô.
Sau khi dạo chơi hơn một giờ đồng hồ ở Thiên An Môn, chúng tôi tìm nhà vệ sinh. Có một dãy nhà vệ sinh miễn phí dài trăm mét, với biểu tượng nổi bật cỡ lớn nên từ bất kỳ đâu trên quảng trường cũng có thể nhìn thấy. Riêng nhà vệ sinh nữ có 3 dãy, mỗi dãy 20 buồng, phục vụ được cùng lúc 60 người. Rất nhiều bồn rửa tay được bố trí bên ngoài, kèm theo nước rửa tay, máy sấy tay, gần như không ai phải xếp hàng.
Rời Thiên An Môn, chúng tôi cảm thấy thoải mái, hào hứng vì có được trải nghiệm độc đáo chưa từng gặp ở bất kỳ đâu.
Trịnh Hằng