Lệnh cấm hút thuốc kể cả ở trong nhà và khu vực đường phố đã được ban hành tại Nhật Bản vào tháng 4/2020. Cụ thể, du khách chỉ được hút thuốc tại các khu vực quy định. Ngoài ra, việc vừa đi bộ vừa hút thuốc cũng bị cấm vì có thể gây bỏng hoặc khó chịu cho người xung quanh. Quy định này được áp dụng trên toàn quốc, bao gồm cả những địa phương là điểm du lịch.
Những điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút lượng lớn khách du lịch như công viên Nara cũng đã thực hiện lệnh cấm hút thuốc ngoài trời từ năm 2009. Mức phạt tại chỗ cho người vi phạm là 1.000 yen (6,9 USD).
Tương tự, năm 2007, các khu vực trung tâm của thành phố Osaka, bao gồm cả quận Minami, một điểm đến thu hút lượng lớn du khách, cũng đưa ra các quy định riêng về việc hút thuốc lá. Lực lượng an ninh lưu động sẽ thường xuyên kiểm tra và được trao quyền xử phạt 1.000 yen đối với các hành vi vi phạm của du khách. Trong năm 2022, thành phố này ghi nhận 4.225 vụ vi phạm về lệnh cấm hút thuốc.
Tại Kyoto, 40% người bị phạt vào năm 2019 vì hút thuốc không đúng nơi quy định là khách nước ngoài. Khách nước ngoài chiếm 10% số vụ vi phạm ở thành phố Kobe trong cùng năm.
Theo ông Hiro Miyatake, người sáng lập mạng lưới các công ty du lịch cao cấp Bear Luxe Corp, cho rằng du khách đến Nhật Bản đều quan tâm đến truyền thống văn hoá và tôn trọng luật pháp ở đây. Tuy nhiên, chỉ một số ít hiểu và biết về các quy định. Ông dẫn chứng thêm về lệnh cấm hút thuốc khi không nhiều du khách biết rằng vừa đi bộ vừa hút thuốc cùng lúc là vi phạm và họ bắt buộc phải đến khu vực hút thuốc. Một số du khách cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các khu vực được hút thuốc và chỉ “muốn hút thuốc chứ không hề thiếu tôn trọng các quy định”.
Ông Miyatake đề xuất nên có thêm thông tin dành cho du khách về các quy định này. Cụ thể, có thể thông báo trên ứng dụng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau hay tại các điểm du lịch nên cung cấp thông tin chi tiết về khu vực được chỉ định hút thuốc và giới thiệu về các quán bar, nhà hàng, các cơ sở khác có khu vực dành riêng cho người hút thuốc.
Đồng quan điểm, ông Ashley Harvey, nhà phân tích tiếp thị du lịch đã làm việc 15 năm trong ngành du lịch Nhật Bản, cũng cho rằng ngành du lịch nước nhà nên thông tin rõ ràng đến du khách nước ngoài về các quy định hút thuốc lá. Theo ông, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là liên tục nhắc nhở du khách theo cách nhẹ nhàng để họ hiểu được thông điệp của Nhật Bản, dù cần nhiều thời gian.
“Thật không may, nhiều người Nhật không hài lòng trước sự trở lại của lượng lớn khách du lịch ở một số thành phố nổi tiếng như Tokyo, Kyoto và Osaka. Việc khách nước ngoài thường xuyên vi phạm các quy định về hút thuốc cũng có thể là lý do khiến người dân địa phương phản đối du lịch đại chúng”, ông Harvey chia sẻ.
Tuy nhiên, theo vị này, nhiều người Nhật đôi khi cũng vi phạm quy tắc khi vừa đi bộ vừa hút thuốc nên người dân cũng phải nghiêm túc thực hiện quy định để giúp du khách ý thức hơn tại các điểm đến du lịch.
Vân Khanh (theo SCMP)