Các tiếp viên hàng không kỳ cựu đã trải lòng trên CNN về những điều họ mong muốn hành khách biết trước khi lên máy bay.
Nhiệm vụ chính của tiếp viên là giữ an toàn
Mizuki Urano, cựu tiếp viên của Japan Airlines cho biết điều các tiếp viên mong muốn là hành khách biết rằng phi hành đoàn là những chuyên gia về an toàn.
Khi máy bay của Japan Airlines đâm phải máy bay của Tuần duyên Nhật Bản hồi đầu tháng 1 và bị bốc cháy, tổ bay đã sơ tán khách an toàn, không để xảy ra thương vong. “Phép lạ” là từ được nhiều người dùng nhiều nhất khi nói về việc này.
“Tôi biết nội dung được đào tạo của hãng bay. Đây không phải phép lạ mà là kết quả tất nhiên từ những nỗ lực của họ”, Mizuki Urano, cựu tiếp viên của Japan Airlines, nói.
“Sơ tán thành công không phải do đó là người Nhật hay văn hóa Nhật Bản”, Urano nói. Nếu hành khách coi mọi tiếp viên là chuyên gia an toàn ngay khi bước lên máy bay, nghe theo mọi hướng dẫn từ tổ bay trong trường hợp khẩn cấp, khả năng sống sót hoặc an toàn sẽ cao hơn.
Tiếp viên hàng không người Anh Kris Major cũng theo dõi sự cố va chạm máy bay này. “Chúng tôi rất tự hào về cách phi hành đoàn của Japan Airlines đã làm. Họ đại diện cho chúng tôi và cũng minh chứng cho cả thế giới về công việc thường xuyên mà mọi tiếp viên đang làm”, Kris nói.
“Các tiếp viên không đơn giản chỉ lên máy bay và phục vụ đồ ăn, nước uống. Mục đích chính là giữ an toàn cho khách”, Kris nói.
Bỏ lại hành lý khi sơ tán
Urano nói, Japan Airlines là một trong những hãng hàng không tập trung quảng bá rộng rãi về việc cần bỏ lại hành lý nếu máy bay gặp sự cố, khách cần sơ tán. Trong một vụ tai nạn của hãng vào năm 2016 nhiều hành khách đã cố lấy hành lý ra khi sơ tán, làm trái hướng dẫn của tiếp viên. Lúc trượt cầu phao nhiều người bị thương do va đập vào những hành lý này.
Major cho biết không dễ để hành khách tự nguyện “bỏ của chạy lấy người” vì trong túi xách có nhiều thứ quan trọng như tiền, máy tính xách tay, trang sức. Nhưng những thứ đắt tiền đó có thể sẽ không còn giá trị nếu chủ nhân của chúng chết. “Nếu mang theo hành lý mọi người có thể vấp ngã và chết vì chính những túi đồ đó”, Major nói.
Không “phớt lờ” các hướng dẫn an toàn bay
Tiếp viên hàng không người Mỹ Rich Henderson mong đợi các video quảng bá an toàn bay “đáng sợ hơn thực tế một chút” để hành khách hiểu và nghe theo mọi hướng dẫn an toàn từ tiếp viên. “Để chúng tôi không mất nhiều thời gian thuyết phục khách dựng đứng lưng ghế khi chuẩn bị cất, hạ cánh hoặc không để hành lý ở hàng ghế cạnh cửa thoát hiểm”, Rich nói.
Major nói đã quá quen với hình ảnh hành khách tập trung vào điện thoại thay vì ngồi nghe hướng dẫn an toàn bay trước khi cất cánh. Anh nói tổ bay không thể ép khách phải tập trung lắng nghe. Nếu khách ồn ào hoặc ngăn cản người khác nghe hướng dẫn các tiếp viên sẽ lịch sự yêu cầu họ im lặng.
Major nói nhiều đồng nghiệp của anh thường mặc áo phao và đi dọc khoang máy bay trong lúc kiểm tra an toàn lần cuối để cất cánh. Các tiếp viên không quên cởi áo phao mà họ muốn hành khách có thể quan sát kỹ hơn cách mặc và buộc áo phao, phòng khi dùng đến. Anh mong muốn hành khách sẽ để ý điều này.
Anh Minh (Theo CNN)