Trên toàn thế giới, có khoảng 400 người đã đạt được thành tích đặt chân đến đủ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023 chứng kiến sự gia tăng của trào lưu đi khắp mọi quốc gia trên thế giới này khi có thêm 50 người gia nhập vào danh sách. Số liệu trên được công bố bởi NomadMania, một nền tảng trực tuyến cho phép các nhà thám hiểm toàn cầu theo dõi chuyến đi của mình.
Điều gì đã truyền cảm hứng cho một cá nhân tìm cách đặt chân đến mọi quốc gia và điều này thực sự khó khăn như thế nào?
Nhà văn kiêm phóng viên người Phần Lan Rauli Virtanen, được cho là du khách đầu tiên đặt chân đến các quốc gia trên thế giới. Virtanen hoàn thành mục tiêu vào năm 1988, khi đó Liên Hợp Quốc mới công nhận hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nam du khách cho biết từ đó liên tục “bổ sung thêm các quốc gia mới” vào hành trình du lịch.
Khi được hỏi về “động cơ để đặt chân đến mọi quốc gia”, Virtanen nói có “sự tò mò tột độ và tâm lý muốn sưu tầm”. Khái niệm “sưu tầm các quốc gia” không chỉ bắt đầu từ khi Virtanen đi khắp các nước mà có từ những năm 1950. The Travelers’ Century Club (Câu lạc bộ Thế kỷ của những người đi du lịch) ra mắt lần đầu vào năm 1954, là sân chơi dành cho những người đã đến thăm 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trở lên. Ngày nay tổ chức này vẫn hoạt động sôi nổi.
Michael O’Regan, giảng viên du lịch tại đại học Glasgow Caledonian, Anh, cho biết du lịch vòng quanh thế giới là động lực dành cho những người thích lang thang. Nhưng về cơ bản, du lịch “chỉ giới hạn ở những người có nguồn tài chính, nghề nghiệp linh hoạt, sức khỏe tốt” và hộ chiếu “mạnh” để dễ dàng nhập cảnh, đến nhiều nước hơn. O’Regan cũng chỉ ra ngày càng nhiều người kiếm tiền thông qua hình thức đi du lịch. Số khác chọn đi du lịch khắp thế giới sau khi nghỉ hưu sớm.
Patrick Gilliland, 62 tuổi đến từ Mỹ, nằm trong số nhiều người chọn dành những năm cuối đời để đi du lịch khắp thế giới. Mỗi năm ông dành 48 tuần để đi du lịch và nhận ra việc đến được mọi quốc gia, vùng lãnh thổ mà Liên Hợp Quốc công nhận “không hề dễ dàng, cần một chút may mắn và thời gian”. Gilliland đã đến Triều Tiên cách đây 20 năm khi “mối quan hệ với Mỹ còn tốt”. Ông thừa nhận xin visa vào Iran hay Nauru rất khó, mất nhiều lần trong nhiều năm.
Khi đến Libya năm ngoái, nước cuối cùng trong 195 quốc gia vùng lãnh thổ, Gilliland bị từ chối nhập cảnh tại sân bay. Nhiều người tham gia thử thách đặt chân đến mọi nơi trên thế giới gặp phải cảnh tương tự Gilliland – bị từ chối hoặc gặp khó khăn khi đến một vài nước. Blogger du lịch người Slovakia Martina Sebova là một trong số đó. Martina đã đặt chân đến hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ được Liên Hợp Quốc công nhận trên toàn cầu.
Sự bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội cũng được các chuyên gia nhận định “đóng vai trò to lớn thúc đẩy số người cố gắng đến mọi quốc gia”. Các nền tảng như Instagram, TikTok ra đời, giúp truyền cảm hứng cho nhiều người hơn, dẫn đến số người muốn đi khắp thế giới tăng lên, theo O’Regan.
Virtanen thấy may mắn khi có thể đến 95% quốc gia thông qua nghề nghiệp của mình. Hầu hết chuyến đi anh được tài trợ và đổi lại bằng các bài báo.
Du khách sinh ra ở Jamaica, Romaine Welds ít có cơ hội khám phá thế giới trước khi chuyển đến Mỹ năm 2007 và bắt đầu làm việc cho một hãng hàng không. Trên thực tế, anh chưa bao giờ rời Jamaica trước đó và nhớ lại việc nhìn vào những ngọn núi xanh của đất nước, tự hỏi điều gì nằm đằng sau chúng.
“Gia đình tôi nghèo và không có ai trong gia đình tôi đi du lịch, ngoại trừ cha tôi”, anh nói.
Sau khi đi được 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, Welds nhận ra đã đi được nửa hành trình. Do vậy, anh tiếp tục đến năm 95 vùng đất còn lại và hoàn tất danh sách vào cuối năm 2022.
Khoảng thời gian một du khách có thể đến thăm mọi quốc gia khác nhau. Welds mất 15 năm còn Gilliland là 40 năm. Một số người khác hoàn thành thử thách trong thời gian kỷ lục. Taylor Demonbreun đến từ Canada đang giữ danh hiệu “du khách đến thăm tất cả các quốc gia có chủ quyền nhanh nhất” trong 189 ngày.
Tuy nhiên, hành trình cưỡi ngựa xem hoa của Demonbreun không được các du khách khác đánh giá cao. Những người này chẳng có gì ngoài bức ảnh selfie quảng bá bản thân tại mỗi quốc gia, theo Virtanen.
Anh Minh (Theo CNN)