20 năm trước, Pamela Holt gặp tai nạn ôtô khi đang có một cuộc sống bình thường như nhiều người khác tại Los Angeles, Mỹ. Cô gần như bất động, không thể di chuyển hay cử động do đau đớn trong hai năm.
Holt bị thương nặng ở cột sống, cần phải mổ gấp. Bác sĩ đã nói với cô trước ca mổ nên “dành những ngày cuối tuần để sắp xếp lại cuộc sống”. Holt thậm chí “viết di chúc, gọi cho mẹ và sắp xếp hậu sự cho bản thân nếu ca phẫu thuật không thành công”. Khi đó cô mới ngoài 30 tuổi.
Khi đối mặt với ca mổ có thể thiệt mạng hoặc thương tật vĩnh viễn, Holt lập lời thề nếu qua khỏi sẽ đặt mục tiêu đến 80 quốc gia trên thế giới ở tuổi 50. Trước khi ca phẫu thuật tiến hành Holt đặt vé đi Trung Đông và yêu cầu hãng bay giữ chỗ cho đến khi “sống sót sau cuộc phẫu thuật”. Ngay khi vừa tỉnh lại và biết chân cử động được, Holt gọi cho mẹ để bà giúp cô hoàn thành nốt quá trình đặt vé. 6 tháng sau đó cô thực hiện ước mơ bấy lâu là ghé thăm thành cổ “đáng kinh ngạc” Petra ở Jordan.
Những năm sau đó, Holt dành thời gian đi khắp thế giới để thực hiện lời hứa của mình. Sinh nhật 50 tuổi, Holt đón sinh nhật tại Bhutan – cũng là quốc gia thứ 80 cô đặt chân đến. Đến nay, khi đã 54 tuổi, Holt đặt chân đến 92 quốc gia.
Khi dừng chân sau mỗi chuyến đi, nữ du khách thường có những bài phát biểu với nội dung tích cực, khuyến khích mọi người đặc biệt là phụ nữ, nên xách balo lên và đi. Holt thúc đẩy mọi người không nên ngần ngại đi du lịch một mình hay lấy lý do tuổi tác, tình trạng mối quan hệ để trì hoãn lên đường. Với Holt, đi du lịch là “tìm kiếm những cơ hội trong cuộc sống”.
Hang Va Việt Nam là một trong những trải nghiệm khiến nữ du khách Mỹ cảm thấy “siêu thực” nhất. Cô đã đi nửa ngày dưới lòng đất để tham quan kỳ quan tự nhiên này. “Bạn phải nín thở, lặn xuống nước và vượt qua mọi thứ”, cô nói.
Trải nghiệm đáng nhớ khác là ở thành phố Iquitos, Peru – nơi nữ du khách ngồi trên chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng Amazon ghé thăm chợ nổi. Tại đây cô gặp loài khỉ nhỏ nhất thế giới và đặt nó lên lòng bàn tay.
Ngoài các trải nghiệm thiên nhiên, Holt đề cao tầm quan trọng khi kết bạn trên đường du lịch. Một trong những cuộc gặp gỡ khiến cô nhớ nhất là với chủ quán cà phê ở Việt Nam. Chủ quán nhờ cô tìm giúp một người đàn ông Mỹ – người đã giúp đỡ anh 30 năm trước. Manh mối duy nhất là tên người đàn ông đó. Ban đầu Holt rất bối rối vì không biết tìm bằng cách nào. Sau đó cô tìm một thám tử, người đã cung cấp cho cô danh sách dài những cái tên và Holt lần lượt gọi từng người vào thời điểm đỉnh cao của dịch bệnh. Khi đó ai cũng nghĩ cô “bị điên”.
Sau 3 tháng gọi điện tìm kiếm, Holt tưởng chừng bỏ cuộc. Trước khi thông báo cho chủ quán người Việt Nam về kết quả, cô quyết định gọi thêm một số điện thoại nữa. May mắn thay đây lại chính là người họ cần tìm. Holt giúp chủ quán cà phê và người đàn ông Mỹ gặp lại nhau.
Đi du lịch một mình không nguy hiểm như lời đồn nhưng bản thân Holt cũng gặp rắc rối khi ở Nga, Cuba và suýt bị bắt cóc khi đến Ai Cập. Tuy nhiên, cô đã được những người dân ở đó giúp đỡ và đưa đến nơi an toàn.
Đi du lịch giúp Holt “mở rộng thế giới quan, tìm lại sự tự tin”, mang lại cho cô sự từ bi, hòa đồng và không phán xét. “Sự phán xét đã rời bỏ tôi theo nhiều cách”, nữ du khách nói.
Anh Minh (Theo DM)