Santa Cruz del Islote là đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển Colombia, được hình thành bởi ngư dân địa phương vào thế kỷ 19 nhằm tránh bão hoặc nghỉ ngơi. Ngày nay nó được biết đến là đảo có mật độ dân số đông nhất thế giới với hơn 800 người sống trên diện tích đất 9.700 m2 hay một người trên 12 m2.
Theo nhận xét của nhà làm phim Ruhi Cenet, người đến thăm đảo vào đầu tháng 3, Santa Cruz del Islote là nơi “những ngôi nhà nằm san sát nhau, không có hệ thống cống rãnh và nước uống phải vận chuyển từ nơi khác đến”. Một người dân địa phương 94 tuổi cho biết đã được sinh ra trên đảo và chưa từng rời khỏi đây. Người phụ nữ nhớ lại khi còn nhỏ, trên đảo chỉ có vài ngôi nhà và phần còn lại trống trơn. Hiện tại, đất trên đảo không còn chỗ trống để xây nhà. Nhiều gia đình 10 người ngủ chung trong một căn phòng.
Khi đi lang thang xung quanh hòn đảo, Ruhi cho biết “bất kể rẽ ở đâu cũng thấy mọi người bước ra từ mọi ngóc ngách”. Nam du khách nói thêm rất khó để có thể ở một mình trên những con phố đông đúc. Tiếng người, tiếng gà gáy, tiếng sóng và tiếng nhạc hòa quyện vào nhau.
Quanh đảo có 4 con đường, được xây dựng bằng bê tông. Đảo cũng không có ôtô hay xe máy đi lại vì quá chật. Người dân địa phương cho biết dân số liên tục tăng do hầu hết phụ nữ đều sinh con đầu lòng ở độ tuổi 16 và không có biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Nhiều gia đình có 5 con.
Về nhà ở, người dân trên đảo không xin phép chính phủ để xây dựng và xây “ở bất kỳ đâu họ muốn”. Khi không tìm được chỗ, họ sẽ chồng thêm tầng ở các tòa nhà hiện có. Các tòa nhà đan xen vào nhau nhiều đến mức đôi khi người dân phải đi bộ qua nhà nhau để sang phía bên kia.
Để miêu tả hòn đảo nhỏ đến mức nào, Ruhi nói đi bộ từ đầu này sang đầu kia của hòn đảo và dù phải di chuyển trong mê cung những ngôi nhà, ngõ hẻm, anh chỉ mất hai phút để hoàn thành.
Dù diện tích nhỏ nhưng Santa Cruz del Islote có nhiều tiện ích gồm trường học, nhà thờ, phòng khám, khách sạn, quán rượu nhỏ, ba khu chợ để phục vụ người dân lẫn du khách. Không có nghĩa trang trên đảo. Khi một người qua đời, họ được khiêng đi quanh quảng trường nhỏ ở trung tâm rồi sau đó thi thể được chuyển về đất liền chôn cất.
Đảo cũng không có không gian để trồng trọt nên hầu hết các nguồn cung, gồm nước uống, đều được hải quân Colombia cung cấp vài tuần một lần. Người dân trên đảo cũng cố gắng hứng nước mưa nhưng ở đây 7-8 tháng mới mưa rào một lần. Nhiều ngôi nhà được lắp các tấm pin mặt trời và hệ thống máy phát điện. Nhưng người dân cho biết điện không ổn định, thường mất nhiều ngày liên tục.
Vì hòn đảo quá nhỏ và mọi người đều biết nhau nên không có tình trạng phạm tội, trộm cắp. Trên đảo có 800 người nhưng không có cảnh sát. “Không có các vụ cướp hay xô xát. Chúng tôi sống hòa bình với nhau”, một người dân chia sẻ. Những người lớn tuổi trên đảo rất được tôn trọng và được ví như “cảnh sát khu vực” để phân xử nếu có tranh chấp. “Nếu xảy ra hiểu nhầm, đánh nhau, những người lớn tuổi sẽ đến và khuyên can. Sau đó, chúng tôi bắt tay nhau và tiếp tục là bạn bè, anh chị em thân thiết”, một người khác nói thêm.
Giống như người phụ nữ 94 tuổi Ruhi nói chuyện ban đầu, hầu hết cư dân trên đảo không có kế hoạch rời đi. “Tôi sẽ dành cả cuộc đời trên đảo này. Tôi sinh ra, lớn lên và sẽ chết ở đây”, một người dân trẻ tuổi nói.
Đảo nằm ở vị trí đặc biệt: nằm trên rạn san hô lớn thứ hai thế giới. Do đó, sóng ở đại dương dù cao đến 30 m khi tiến sát bờ biển của hòn đảo, nó chỉ còn cao khoảng 3 m. “Ở đây chúng tôi an toàn”, một người dân khác chia sẻ.
Đánh cá từng là ngành công nghiệp thịnh vượng nhưng ngày nay nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt. Họ thậm chí phải nhập hải sản từ đất liền. Hầu hết người dân trên đảo hiện kiếm tiền từ du lịch, một giải pháp thay thế bền vững.
Du khách bị thu hút không chỉ bởi nơi đây có mật độ dân số đông nhất mà còn vì cuộc sống sôi nổi của người dân và vùng nước hoang sơ xung quanh. Người dân địa phương thích nghi nhanh chóng với việc khách thường xuyên ghé thăm bằng cách cung cấp dịch vụ lưu trú, các chuyến tham quan có hướng dẫn viên và bán đồ thủ công làm quà lưu niệm.
Anh Minh (Theo DM, Islekey)