Hầu hết hành khách đều mang theo nhiều vật phẩm có giá trị khi đi máy bay như ví, điện thoại, hộ chiếu, máy tính xách tay hoặc máy ảnh. Jonathan Frankham, Tổng giám đốc Bảo hiểm Du lịch thế giới Nomads tại Anh, cảnh báo các món đồ giá trị trên có thể trở thành “miếng mồi” của kẻ trộm.
“Điều quan trọng là phải cảnh giác và thực hiện các bước đảm bảo an ninh cho những thứ quan trọng”, Frankham nói. Dưới đây là một số bí kíp được các chuyên gia tiết lộ nhằm giúp hành khách tránh bị mất đồ giá trị.
Thời điểm dễ bị mất đồ
Frank cho biết kẻ trộm rất biết tính toán khi lợi dụng cảm giác an toàn của hành khách khi đã ngồi thoái mái trên máy bay. Tuy nhiên, chính thời điểm ồn ào của giờ ăn, khi ánh đèn mờ ảo hoặc hành khách đi vào nhà vệ sinh cũng là lúc trộm ra tay.
Những thứ dễ bị mất
Trong một vụ bắt giữ kẻ trộm đồ trên máy bay tại Tokyo, Nhật Bản, nghi phạm 51 tuổi, giả vờ kiểm tra hành lý của mình ở cabin phía trên ghế ngồi. Thực tế hắn đã lấy trộm đồng USD, Euro và Yên Nhật từ túi của người bạn đồng hành. Tiền mặt được hoán đổi bằng đồng riel Campuchia có mệnh giá nhỏ hoặc đồng rupiah của Indonesia có giá trị thấp hơn để duy trì trọng lượng và kích thước của ví tiền.
Hộ chiếu cũng là thứ có giá trị mà nhiều tên trộm hướng tới. Hộ chiếu càng quyền lực trên bảng xếp hạng thế giới (đi được nhiều nước mà không cần xin trước visa) càng có giá trị cao trên thị trường chợ đen.
Đóng gói thông minh
“Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên của bạn”, Frankham nói. Đóng gói đồ thông minh rất quan trọng. Hãy chọn những chiếc balo chắc chắn, tốt nhất nên là loại có thể khóa an toàn và được đánh giấu bằng dây buộc nhiều màu sắc để dễ nhận biết. Nếu dây buộc bị thiếu hoặc có vấn đề, hành khách cần báo ngay cho tiếp viên. Trong túi hành lý cất trên cabin phía trên ghế ngồi nên để các món đồ quan trọng nhưng không có nhiều giá trị như sạc điện thoại, một bộ quần áo để thay, đồ ăn nhẹ, đồ dùng cá nhân như sữa rửa mặt, kem dưỡng, sách, truyện giải trí.
Những đồ vật có giá trị cao như hộ chiếu, tiền và điện thoại, cách tốt nhất theo Frankham là để trong túi nhỏ đeo cạnh thắt lưng, luôn để bên mình. “Tránh để đồ vật có giá trị không được giám sát, ngoài tầm mắt”, Frankham nói.
Làm gì nếu bị mất đồ?
Báo ngay cho đại diện hãng bay, tiếp viên khi phát hiện mất đồ theo Công ước Montreal. Hiện có hơn 130 quốc gia và tổ chức gia nhập công ước này. Các quy định trong công ước hướng đến nhiều mục tiêu, trong đó có bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không và nhu cầu bồi thường công bằng dựa trên nguyên tắc bồi thường.
Frankham nói thêm hiệp ước quốc tế này yêu cầu hãng bay phải bồi thường cho hành lý thất lạc hoặc hư hỏng trên các chuyến bay quốc tế. “Điều quan trọng là phải thông báo cho hãng bay càng sớm càng tốt”, chuyên gia người Anh cho biết.
Hành khách cần báo cáo hành vi trộm cắp cho cảnh sát địa phương. Trình báo cảnh sát là một bước quan trọng vì nó cung cấp cho bạn bằng chứng bị mất trộm. Giấy tờ này rất cần thiết để được nhận bồi thường từ hãng bảo hiểm.
Các bước yêu cầu bảo hiểm bồi thường
Sau khi thông báo cho hãng bay, cảnh sát, bước tiếp theo hành khách cần xem xét kỹ hợp đồng bảo hiểm du lịch. Sau đó khách cần thu thập bằng chứng cần thiết gồm quyền sở hữu, giá trị món đồ bị đánh cắp, vé máy bay, thẻ hành lý, biên lai giao dịch mua bán những thứ bị mất. Frankham đánh giá đây là những thứ “rất quan trọng” và “là một phần thiết yếu mà bảo hiểm yêu cầu cung cấp”.
Điều khách cần lưu ý tiếp theo là phải khẳng định được trách nhiệm của bản thân trong việc trông coi đồ đạc. Phải chứng minh được các đồ vật có giá trị đã được cất giữ cẩn thận, hành lý được giám sát thay vì bị bỏ mặc. Sơ suất của bạn có thể ảnh hưởng đến khả năng và mức độ được bồi thường.
Anh Minh (Theo DM, Cục hàng không Việt Nam)