Ngay sau khi đặt chân đến Plovdiv, thành phố lớn thứ hai ở Bulgaria sau thủ đô Sofia, du khách cũng có thể thấy giao thông bớt náo nhiệt hơn. Sự khác biệt hiện ra rõ nét hơn khi du khách đến trung tâm thành phố, ghé qua công viên nơi có những cụ già đang ngồi chơi cờ hoặc trò chuyện thư giãn dưới bóng cây cổ thụ.
Tại quận trung tâm Kapana, người dân tràn ra khỏi các quán cà phê và bar để xuống phố đi bộ. Dưới những bức tranh tường sơn màu rực rỡ, các nhóm thanh niên tụ tập trò chuyện hoặc đứng lướt điện thoại. Trong quán cà phê cạnh nhà thờ hồi giáo Dzhumaya, mọi người ngồi hàng giờ để nhâm nhi tách cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả những con mèo trên các con đường rải sỏi trong khu phố cổ cũng có vẻ uể oải hơn mèo ở nơi khác. Chúng nằm dài, kêu gừ gừ, lăn qua lăn lại rồi ngủ tiếp.
Nếu bạn hỏi tại sao thành phố lại thoải mái và thong thả đến vậy, người dân sẽ nói: “vì aylyak”.
Aylyak là một từ gần như không thể dịch nghĩa một cách chính xác. Nó vừa mang ý nghĩa từ chối lao vào cuộc đua bất tận bươn chải trong cuộc sống cũng như hoài nghi về giá trị của hành động làm việc không ngừng nghỉ.
Nghệ sĩ Plamen Radev Georgiev, người đứng đầu Công ty Kịch câm Nhà hát lửa năm 2019, đã làm một khảo sát trong cộng đồng về Aylyak nhân dịp Plovdiv và Matera, Italy cùng được chọn làm Thủ đô văn hóa châu Âu. Georgiev sinh ra và lớn lên ở Stara Zagora, thành phố cách đó gần 100 km. Khi đến Plovdiv vào năm 2018, Georgiev bị bối rối trước sự phức tạp của văn hóa Aylyak. Nhưng khi biết anh muốn nghiên cứu sâu hơn về văn hóa này, người dân lại nói rằng đó đơn giản chỉ là “một sự lười biếng”.
Aylyak có nghĩa là dành thời gian cho một việc gì đó, như ngồi ăn sáng với bạn bè và nhận ra rằng bạn vẫn rong chơi khi màn đêm đã buông xuống. Aylyak cũng là tận hưởng niềm vui trong cuộc sống, nó gắn liền với kiểu ăn mặc bảnh bao và lang thang trên đường phố mà không có việc gì làm.
Ở một mức độ sâu hơn, Georgiev gọi đây là “sự tự do trong tâm hồn”. “Aylyak có nghĩa là bạn có thể đương đầu với khó khăn của cuộc sống nhưng vẫn an toàn trước mọi vấn đề đó”, anh nói.
Nhà nhân chủng học, tiến sĩ Svetoslava Mancheva là giám đốc của ACEA Mediator, một tổ chức chuyên kết nối các cộng đồng và không gian đô thị tại Plovdiv. Mancheva sinh ra ở phía tây nam đất nước, sống ở Plovdiv 10 năm và chưa có ý định chuyển đi. Cô nói nhiều người chuyển đến thành phố này vì tinh thần Aylyak. Đồng nghiệp của Mancheva từng sống ở Berlin lâu năm nhận xét Berlin rất tốt nhưng ở đó không có Aylyak nên cảm thấy rất vui khi sống tại Plovdiv.
Nhà sử học Mary C Neuberger tin rằng Aylyak cũng chính là cách chúng ta phản ứng trước thách thức sống cùng người lạ, là việc tìm kiếm không gian riêng trong thành phố. “Nền tảng của Aylyak là giao tiếp. Bạn không cần phải thích người khác. Điều quan trọng là ý chí muốn được trò chuyện để hiểu biết hơn”, cô nói.
Với phần lớn người dân, Aylyak có nghĩa gần nhất với “tìm kiếm không gian”: tìm kiếm một không gian trong ngày bận rộn để uống cà phê, kiếm tìm những ngóc ngách trong thành phố để có thể đi chơi với bạn bè, dành thời gian chơi nhạc, uống bia, trò chuyện. Theo Georgiev, Aylyak còn có nghĩa là tìm kiếm một không gian tự do cho bản thân giữa những khó khăn của cuộc sống.
Sau vài ngày tham quan Plovdiv, nam du khách người Anh Will Buckingham nhanh chóng tận hưởng Aylyak của người dân địa phương. Anh dành thời gian đi dạo trên phố giống họ và nhanh chóng nhận ra có thể làm hoặc giải quyết được rất nhiều việc trong khoảng thời gian đó. Điều thú vị là anh giải quyết chúng một cách nhẹ nhàng và ít căng thẳng hơn trước đây.
Will đã gửi email cho nhà văn Bulgaria Filip Gyurov, người đã nghiên cứu Aylyak như một triết lý sống và như một giải pháp thay thế cho tăng trưởng kinh tế trong luận án thạc sĩ của ông tại Đại học Lund, hỏi có thể áp dụng triết lý này cho phần lại của thế giới không. Gyurov cho biết mọi người, đặc biệt người trẻ đang đối mặt với tình trạng kiệt sức vì phải chạy đua với sự hối hả của cuộc sống, chạy đua với nhu cầu mua đồ công nghệ mới nhất hay thăng quan tiến chức. Do đó, điều cốt lõi mà Aylyak muốn truyền tải chính là chúng ta cần sống chậm lại, giảm phát triển sự gấp gáp và sống hòa với thiên nhiên, cộng đồng nhiều hơn.
Vào buổi chiều cuối cùng ở Plovdiv, Will ngồi trong quán cà phê cạnh nhà thờ Hồi giáo Dzhumaya. Anh gọi một ly cà phê và một món tráng miệng. Phía ngoài nhà thờ là những bụi hoa hồng, một con mèo trắng đang ngủ gật yên bình. Anh không đeo đồng hồ, không cảm thấy cần thiết phải mở điện thoại. Anh cũng không có cuộc hẹn nào làm gián đoạn khoảng lặng nghỉ ngơi.
“Tôi uống cà phê và để buổi chiều trôi qua. Tôi biết rằng mình đã có tất cả thời gian trên đời”, Will nói.
Anh Minh (Theo BBC)