Lễ hội Tết Việt tại công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP HCM khai mạc tối 18/1. Ngay tại cổng chính trên đường Điện Biên Phủ là 3 ngôi nhà Việt được phục dựng, bài trí bàn thờ gia tiên và mâm cỗ ngày Tết 3 miền, thu hút khách tham quan, trải nghiệm.
Hugh, đến từ Mỹ, chia sẻ anh tình cờ biết đến lễ hội này khi đi ngang qua qua công viên Lê Văn Tám. Anh hào hứng trải nghiệm các hoạt động trong lễ hội vì chưa biết nhiều về văn hóa đón Tết cổ truyền của người Việt Nam. Quầy xin chữ ông đồ khiến du khách Mỹ tò mò và nán lại tìm hiểu. Sau khi nghe giải thích về tục lệ xin chữ đầu năm mới, Hugh được thầy đồ gợi ý lấy chữ “tài lộc”.
“Tôi sống ở Sài Gòn 5 năm nhưng chưa lần nào có dịp đón Tết Nguyên đán, tục xin chữ đầu năm này hoàn toàn mới mẻ với tôi. Tôi cảm thấy may mắn khi được tặng món quà là nét chữ viết độc đáo này”, Hugh nói.
Nam du khách Mỹ ấn tượng với cách đưa bút khéo léo của thầy đồ và ý nghĩa đằng sau mỗi chữ viết. Hugh được thầy đồ giải thích chữ “tài lộc” mang ý nghĩa may mắn, công việc hanh thông và cuộc sống sung túc. Anh cũng hy vọng sẽ đón một năm mới suôn sẻ như vậy. Không chỉ xin chữ, Hugh còn được các nghệ nhân mời ăn thử món bánh thuẫn – một trong nhiều đặc sản được giới thiệu ở gian nhà Tết miền Trung.
“Tôi rất thích ẩm thực Việt và hy vọng được nếm thử nhiều món ăn truyền thống trong lễ hội này”, Hugh nói và nhờ chỉ dẫn đến các gian hàng phục vụ món Việt trong lễ hội.
Nhiều du khách nước ngoài khác cũng có mặt tại lễ hội và ghi lại những hoạt động tái hiện phong tục Tết Việt, bày tỏ lạ lẫm xen thích thú. Gian hàng trưng bày tò he, không gian gói bánh chưng, các quầy phục vụ đồ ăn truyền thống khiến nhiều khách nước ngoài tò mò, dừng lại chụp hình và trải nghiệm.
Lễ hội Tết Việt năm nay có khoảng 100 gian hàng bày bán các đặc sản, hàng thủ công từ nhiều vùng miền, các món ăn truyền thống. Bên cạnh đó là các không gian tương tác, tìm hiểu truyền thống Tết. Khách tham quan sẽ được tự tay gói bánh chưng, bánh tét không dùng khuôn, nặn tò he. Ngoài ra, còn có khu vực trò chơi dân gian với những trò không còn xuất hiện nhiều ở thành thị như kéo co, ném lon, bịt mắt đập niêu, ô ăn quan, hái lộc đầu xuân.
Anh Lê Minh Cảnh, 36 tuổi, chủ gian hàng mì Quảng niêu cho biết, ngoài khu vực phục vụ món ăn, anh và các cộng sự đã bố trí thêm một góc cho khách trải nghiệm làm sợi mì Quảng thủ công. “Lễ hội Tết Việt tổ chức ở TP HCM, nơi tập trung đông khách du lịch, là dịp để tôi đem văn hóa địa phương đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước”, anh Cảnh nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, Lễ hội Tết Việt 2024 là dịp để người dân và du khách đến tham quan, thư giãn, trải nghiệm các giá trị độc đáo của văn hóa Việt, ẩm thực Việt. Các chương trình tái hiện ngày Tết cổ truyền giúp người dân và du khách trải nghiệm giá trị văn hóa Tết ba miền. Lễ hội cũng là dịp thúc đẩy các hoạt động liên kết sản phẩm vùng miền, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Lễ hội Tết Việt 2024 mở cửa tự do trong 4 ngày từ 18/1 đến 21/1, dự kiến thu hút trên 80.000 lượt khách, được kỳ vọng là hoạt động thường niên, hút khách du lịch nhờ quảng bá văn hóa Tết và ẩm thực Việt.
Bài và ảnh: Bích Phương