Yap, tiếng địa phương gọi là Wa’ab, thuộc Quần đảo Caroline ở Tây Thái Bình Dương, nổi tiếng với những đồng tiền bằng đá. Loại tiền này có tên “rai” (cá voi trong tiếng địa phương) vì hình dáng ban đầu của chúng giống con cá voi.
Một đồng rai điển hình có đường kính từ 7-360 cm, nặng tới 5 tấn, ở giữa được khoét một lỗ để cắm cây sào qua. Sau đó, những người đàn ông sẽ cùng nhau khiêng đồng tiền để vận chuyển tới nơi cần giao dịch. Những đồng rai được tìm thấy có niên đại tới 2.000 năm. Ban đầu, đồng rai có kích cỡ nhỏ nhưng dần trở nên to hơn nhờ sự phát triển của kỹ thuật, công cụ.
Giá trị của đồng rai được tính theo nhiều yếu tố như kích thước, cách đẽo gọt. Tuy nhiên, lịch sử của mỗi đồng tiền mới thực sự là yếu tố quyết định giá trị của nó. Đồng rai làm từ đá vôi – loại đá không có ở đảo Yap – và người dân phải vượt quãng đường dài, khó khăn, tới những hòn đảo xa xôi để tìm kiếm. Phần lớn đá vôi được người Yap khai thác trên đảo Palau, cách đó 400 km về phía tây nam.
Trong hành trình này, họ phải đối đầu với nhiều hiểm nguy từ thú dữ đến những dân tộc bản địa hiếu chiến. Vì vậy, giá trị của đồng xu còn được tính dựa trên sự khó khăn để làm nó, bao nhiêu người đã hy sinh.
Do kích thước của đồng rai lớn và nặng, việc truyền tay khi giao dịch gặp khó khăn. Vì thế, hình thức sở hữu phổ biến trên đảo là truyền miệng. Mỗi người đều tự ý thức đồng tiền thuộc về ai nên việc trộm cắp hầu như không xảy ra. Hiện có khoảng 6.500 loại tiền rai phân bổ rải rác trên khắp các đảo.
Đến thế kỷ 20, người đảo Yap đã sử dụng đôla Mỹ để thay thế cho đồng rai. Tuy nhiên, trong một số giao dịch đặc biệt như thỏa thuận chính trị, quà hồi môn, đồng rai vẫn được sử dụng.
Micronesia có tổng diện tích đất liền 702 km2, trong đó Guam là hòn đảo lớn nhất, nổi tiếng bởi bờ biển đẹp và là thiên đường mua sắm hàng miễn thuế. Các hòn đảo ở bang khác có nhiều thắng cảnh đẹp, thu hút khách du lịch, dù hạ tầng cơ sở chưa phát triển.
Hoài Anh (Theo Unbelievable Facts)