Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hôm 29/2 thông báo sẽ tăng giá vé qua cảng đối với du khách và phí neo đậu với tàu, thuyền từ 1/4. Vé hành khách qua cảng sẽ tăng từ 40.000 đồng/người/lượt lên 60.000 đồng/người/lượt. Với tàu du lịch, phí dịch vụ tăng thêm 50.000 đồng/chuyến; phí an ninh trật tự và chiếu sáng công cộng tăng 100.000 đồng/tàu/tháng; phí neo đậu tàu thuyền từ 6.300 đồng/m2 mặt nước/tháng lên 9.000 đồng/m2/tháng.
Trả lời VnExpress, nhiều đơn vị kinh doanh tàu du lịch ở vịnh Hạ Long và Lan Hạ nhận xét hành động này “không khác đánh úp doanh nghiệp”.
Một đại diện Chi hội tàu Du lịch Hạ Long nói hai cảng đang tăng giá một cách “ngẫu hứng”. Người này cho biết đơn vị đã có văn bản đề xuất nguyên tắc, lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn, lợi ích của tất cả các bên, gửi tới Ban quản lý Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu.
Chi hội đồng ý việc điều chỉnh mức phí dịch vụ của cảng, qua đó nâng cấp chất lượng phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, họ cũng mong muốn lộ trình tăng phí phù hợp và theo chỉ số trượt giá của thị trường để hai bên đồng thuận. Việc áp dụng tăng từ 1/4 được đơn vị này đánh giá “chưa phù hợp” do sự phục hồi ngành du lịch còn hạn chế, khách đến vịnh Hạ Long chưa đáng kể. Các doanh nghiệp, đội tàu vẫn giữ giá dịch vụ, thuê tàu trong suốt những năm qua để kích cầu.
Thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long chỉ ra lượng khách tham quan vịnh Hạ Long năm 2023 đạt gần 2,5 triệu lượt – chưa bằng năm 2015 (2,6 triệu lượt) và thua xa năm 2019 (gần 4,5 triệu lượt). Từ năm 2015 đến năm 2019, vịnh Hạ Long đón trên 18,2 triệu lượt khách, tăng bình quân 12% mỗi năm.
Theo chi hội, 80% khách đến vịnh Hạ Long theo tour và doanh nghiệp đã ký hợp đồng hằng năm từ tháng 9 năm trước. Vì thế, nếu thay đổi giá dịch vụ, cảng cần xem xét thời gian, thông báo trước để chủ tàu áp dụng vào hợp đồng với đơn vị lữ hành.
Ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch Hội Du thuyền Lan Hạ, nói vừa tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Berlin 2024 và trở về “tay trắng”. Theo ông Phú, các đối tác quốc tế thường mua dịch vụ trước một năm để bán cho khách vì nhóm khách nước ngoài, đặc biệt châu Âu, có xu hướng chuẩn bị sớm. Tuy nhiên, với tình hình chính trị bất ổn trên thế giới hiện tại, nhiều đơn vị dè dặt hơn khi chốt các hợp đồng lớn cách xa ngày khởi hành. Sự phục hồi của ngành du lịch còn nhiều trở ngại nên những thay đổi bất chợt này khiến họ thêm “điêu đứng”.
Ông Hoàng Minh, chủ tàu du lịch hoạt động trên vịnh Lan Hạ, nói công ty có những hợp đồng được ký trước tới hai năm. Vì thế, việc tăng phí đột ngột khiến họ phải chịu thiệt do đây không phải yếu tố bất khả kháng được quy định trong hợp đồng.
“Tôi chưa bàn chuyện tăng giá cao hay thấp nhưng phải có lộ trình rõ ràng, không phải thông báo rồi một tháng sau tăng luôn”, ông Minh bức xúc. Ông nói thêm, các tàu hoạt động trên vịnh Lan Hạ vốn “khổ chuyện bến bãi nay càng trở nên bị động hơn”.
Việc tăng phí của hai cảng cũng ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh tàu du lịch phía Hải Phòng do tỉnh này không có cảng tàu đủ lớn để phục vụ hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ. Các tàu du lịch thường đón khách qua cảng Tuần Châu. Vì thế, các loại phí tăng như giá vé qua cảng hay phí neo đậu tàu thuyền đều tác động đến họ.
Theo ghi nhận của VnExpress, đa số doanh nghiệp lữ hành hoạt động mạnh trong mảng bán tour du thuyền cho biết chưa nhận được thông báo tăng phí từ chủ tàu. Đại diện Du Lịch Việt nói hiện các khoản phí đã được tính theo hợp đồng cũ. Việc tăng phí, nếu được áp dụng, sẽ ảnh hưởng tức thời tới khách lẻ.
Tú Nguyễn