Chợ đêm Cần Thạnh tọa lạc tại đường Trần Văn Kiều, kết hợp giữa phố đi bộ và các gian hàng ẩm thực. Trong ngày mở chợ, có 108 gian hàng, chủ yếu là kinh doanh hải sản tươi sống, đặc sản huyện Cần Giờ, đồ ăn nhanh và nước giải khát.
Du khách đến đây có thể ghé một số gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP (sản vật địa phương) như xoài cát Cần Giờ, sản phẩm từ tổ yến, các loại hải sản đóng gói, mật dừa nước. Bên cạnh gian ẩm thực là các quầy hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm.
Ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết tối 26/1 tuyến phố có hơn 1.400 người ghé thăm, hơn 300 khách ngoài địa phương, các gian hàng kín khách. Chợ đêm mở cửa là một trong những động thái đầu tiên của huyện Cần Giờ trong việc phát triển mô hình kinh tế đêm.
Sau khi đi vào hoạt động, chợ đêm dự kiến mở cửa từ 15h đến 23h vào thứ 6, thứ 7, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, Tết. Đây không chỉ là điểm vui chơi của người dân mà còn là điểm đến phục vụ khách du lịch khắp nơi. Ngoài thúc đẩy du lịch địa phương, chợ đêm cũng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và được kỳ vọng là đầu mối tiệu thụ nông sản thực phẩm, hải sản cho nông dân và ngư dân Cần Giờ.
Theo ông Triền, hàng năm huyện ven biển này thu hút hơn 2 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trước khi chợ đêm mở cửa, hầu hết hoạt động du lịch kết thúc trước 18h, chưa có các dịch vụ về đêm cho du lịch như vũ trường, bar, karaoke, chợ đêm, chỉ có một số ít cơ sở phục vụ ăn uống chủ yếu cho người địa phương. “Điều này dẫn đến thói quen du khách đến du lịch Cần Giờ trong ngày hoặc sáng ở Cần Giờ, chiều tối nghỉ qua đêm ở Vũng Tàu”, ông Triển nói.
Công suất phòng cuối tuần hiện đạt khoảng 70-80%. Dự kiến sau khi chợ đêm đi vào hoạt động, sẽ thu hút được khách du lịch đến huyện nhiều hơn và lưu trú nhiều ngày hơn. Dự kiến chợ đêm sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi đầu tư thêm các điểm check in, tổ chức nhiều sự kiện theo tháng về các hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao.
“Chúng tôi sẽ kêu gọi và khuyến khích đầu tư theo quy định phát triển các loại hình phục vụ du khách về đêm như vũ trường, bar, karaoke, massage, khu vui chơi giải trí về đêm dành cho trẻ em”, ông Triển nói thêm.
Bà Ninh Hoa, chủ sở hữu Ruby Homestay Cần Giờ cho hay trong ngày đầu chợ đêm hoạt động, cơ sở kinh doanh này đăng ký gian hàng bia Đức, và “chợ đông không đủ chỗ ngồi cho khách tham quan”.
Bà Hoa kỳ vọng nếu lượng khách đến được đông như phố đêm của Phú Quốc hay Phan Thiết, Vũng Tàu thì đây sẽ là điểm du lịch “rất hứa hẹn” vì có lợi thế thiên nhiên xanh sạch đẹp, nằm trong lòng TP HCM vốn hút lượng khách trong và ngoài nước. Trong định hướng địa phương sẽ phát triển phố đêm Cần Giờ theo trục tam giác ba điểm du lịch Cần Thạnh – Bình Khánh – Long hòa. Hiện tại khu vực trung tâm đã có chợ đêm, một số điểm khác đang được hoàn thành.
“Doanh nghiệp sẽ chung sức với huyện để cho chợ đêm hình thành, phát triển và là điểm đến hấp dẫn với du khách”, bà Hoa nói.
Cần Giờ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, là địa phương duy nhất của TP HCM có rừng, biển. Năm 2000, huyện Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trước khi chợ đêm Cần Thạnh mở cửa, TP HCM có 9 chợ đêm đang hoạt động, Đại diện Sở Du lịch TP HCM cho biết chợ đêm, phố ẩm thực đêm là những sản phẩm du lịch tiêu biểu đóng góp vào kinh tế đêm của thành phố. Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng càng có khả năng giữ chân du khách, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch tại điểm đến.
Bích Phương